Tin nổi bật

PTTĐ - Cuộc vận động

Làm giàu từ nghề truyền thống
Nhập ngày: Thứ 2, Ngày 24 / 05 / 2021
Một trong những cơ sở sản xuất đồ gỗ, đồ thờ có uy tín, quy mô lớn nhất nhì trong làng Hổ Sơn, xã Liên Minh (Vụ Bản) là do vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhàn làm chủ. Mỗi tháng từ xưởng mộc của gia đình đang xuất đi trên 20 sản phẩm phục vụ thị trường các tỉnh, thành phố phía Bắc.

  

Chị Nguyễn Thị Nhàn, đội 2, xóm Hổ Sơn, xã Liên Minh (Vụ Bản)

hoàn thiện các sản phẩm đồ mộc trong xưởng sản xuất của gia đình.

Năm 2003, chị Nhàn lập gia đình với anh Nguyễn Phú Hào người cùng xã. Lấy chồng, bước ngoặt mới về ‘nghề nghiệp’ cũng đến với chị Nhàn. Chị Nhàn vui vẻ kể về cái duyên đến với nghề: ‘Trước đó, tôi ‘không có khái niệm’ gì về nghề mộc, tuy nhiên do gia đình chồng 3 đời làm mộc, chồng tôi rất đam mê nghề đục đẽo nên dần dà tôi cũng bị ảnh hưởng rồi tự động cầm cái đục lúc nào không hay’. Lập gia đình, vợ chồng chị Nhàn xin ra ở riêng, mở xưởng, tập trung phát triển kinh tế gia đình. Ngày đầu mở xưởng đồ thờ, đồ gỗ, vợ chồng chị gặp muôn vàn khó khăn về vốn để mua máy móc, thiết bị, mua gỗ, trả công cho thợ. Vợ chồng chị chạy vạy khắp nơi vay mượn của anh chị em, bạn bè, vay thêm ngân hàng. ‘Thời gian đó, tôi cũng có tìm hiểu thêm một số quỹ của Hội Phụ nữ và được tổ chức Hội hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn’, chị Nhàn cho biết thêm. Ngoài ra, để hạn chế chi phí, vợ chồng chị động viên nhau tự đảm nhiệm mọi công đoạn trong sản xuất; khi nào đơn hàng về nhiều mới phải thuê thêm thợ. Xoay sở được vốn, chị nhanh chóng nhập gỗ về và bắt tay vào sản xuất. Tuy nhiên học nghề mộc, nhất là đục, chạm khắc tượng không đơn giản(!). Để thành thợ đục, chị Nhàn đã mất hàng chục năm ‘mài đũng quần’ trong xưởng học nghề. Theo chị, đây là công việc đòi hỏi rất nhiều công: ‘Đục gần như là khâu tốn công nhất trong nghề mộc. Mỗi người thợ trước khi đục đều phải có mắt nhìn để ước lượng, định hình, xác nhận những phần gỗ bỏ, rồi mới tiến hành đục, gọt nhẵn, nạo, tỉa tách… Mỗi công đoạn đều đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề điêu luyện, đôi mắt tinh và trí sáng tạo của thợ. Nghề đục, do đó cũng lắm công phu, yêu cầu người thợ phải có năng khiếu, có ý tưởng, có bàn tay khéo léo và kỹ thuật cao. Từ những tấm gỗ vô tri giác, qua bàn tay tài hoa của những thợ cả sẽ biến thành thế giới của hoa lá, chim muông, vạn vật, tượng… Đục các sản phẩm thông dụng như sập gụ, tủ chè, bàn ghế, hương án, bát biểu, cửa võng… đã khó, cũng theo chị Nhàn, đục tượng còn khó hơn. ‘Đục tượng rất khó, rất lâu. Khó nhất của một bức tượng là phần khuôn mặt. Trên khuôn mặt, khó khắc họa nhất là đôi mắt. Trăm bức tượng, bức này khác bức kia là bởi thần thái thể hiện trên mỗi khuôn mặt. Muốn thể hiện khuôn mặt được tốt, phải có hiểu biết về lai lịch hình tượng, tượng đang mang trong mình ‘sứ mạng’ gì cần thể hiện. Có khuôn mặt đau khổ, có khuôn mặt vui tươi, lại có khuôn mặt buồn bã… Thậm chí có cả những khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc… Cái ‘thần’ của khuôn mặt tượng nằm ở đôi mắt, ‘cửa sổ tâm hồn’. Không lột tả được đôi mắt, mọi khuôn mặt tượng rất dễ bị giống nhau thì tượng đúng là… tượng rồi, vô hồn’ - chị Nhàn tâm sự. Mặc dù là ‘người đến sau’ với nghề đục nhưng nhờ sự chịu khó, ham học hỏi và với đôi tay khéo léo, chị Nhàn nhanh chóng trở thành một ‘thợ cả’. Các sản phẩm như tượng Phật, tượng hộ pháp, cửa võng, tòa, kiệu… của gia đình chị được các đền chùa, nhà thờ nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc tin tưởng đặt hàng. Trong đó, khách hàng ‘ruột’ của chị phần lớn đến từ các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Một số sản phẩm tượng do gia đình chị làm đã có mặt tại những công trình tâm linh lớn như: Chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Dư Hàng (Hải Phòng)…

Tuy nhiên không phải lúc nào công việc của xưởng cũng gặp thuận lợi. Năm 2010, có lúc vợ chồng chị Nhàn tính đến phương án chuyển nghề. Thời điểm bấy giờ, giá gỗ, tiền công đều cao trong khi hàng xuất ra lại không thu được tiền luôn. Xưởng đồ thờ của chị rơi vào cảnh nợ nần. Để giải quyết nợ, một mặt vợ chồng chị tìm kiếm thêm các thị trường mới, mặt khác phát triển thêm các mặt hàng đồ gỗ gia dụng. Nhờ sự nhạy bén trong việc tiếp cận thị trường, đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm, cơ sở sản xuất đồ gỗ, đồ thờ của chị Nhàn dần phụ hồi sản xuất, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, lựa chọn. Đến nay, trung bình mỗi tháng cơ sở xuất ra thị trường trên 20 sản phẩm, trong đó có sản phẩm giá trị kinh tế lên đến hàng trăm triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, xưởng mộc của chị Nhàn còn tạo việc làm ổn định cho 6-7 lao động địa phương, với mức lương từ 5-15 triệu đồng/người/tháng. Trung bình hàng năm, trừ chi phí, gia đình chị thu lãi trên 200 triệu đồng. Công việc thuận lợi giúp vợ chồng chị đầu tư mua sắm thêm một số máy móc mới, hiện đại, mở thêm 1 cơ sở điêu khắc, đục chạm đồ thờ, nội thất, đình chùa ở Hải Phòng. Từ cơ sở này, chị Nhàn có điều kiện trưng bày, giới thiệu rộng rãi các sản phẩm đồ gỗ, đặc biệt là đồ thờ của Nam Định cho người tiêu dùng các tỉnh, thành phố phía Bắc. Chia sẻ với chúng tôi về những dự định trong thời gian sắp tới, chị Nhàn cho biết sẽ phát triển xưởng thành công ty để mở rộng quy mô sản xuất. Chị cũng mong muốn được các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi; được tạo điều kiện để thuê đất dài hạn nhằm mở rộng nhà xưởng…

Từ một người ‘ngoại đạo’ với nghề đến một thợ cả tài hoa có thể đảm đương được những khâu khó, công phu nhất trong nghề mộc, con đường dẫn đến thành công của chị Nguyễn Thị Nhàn là sự kiên trì, chịu khó học hỏi, năng động, mạnh dạn chuyển hướng kinh doanh. Không giấu nghề, bằng những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình học, kinh doanh, chị luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các chị em, hội viên có ý tưởng khởi nghiệp làm giàu./.

Báo Nam Định



:: Tin khác