Tin nổi bật

PTTĐ - Cuộc vận động

Gương người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, mang nghề cho chị em cùng làm chủ kinh tế gia đình
Nhập ngày: Thứ 4, Ngày 12 / 05 / 2021
Làm sao để vươn lên thoát nghèo ngay trên chính mảnh đất quê hương; làm sao để những người lao động nghèo, đặc biệt là lao động nữ có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn mà không phải tha phương cầu thực; làm thế nào để duy trì và phát triển nghề trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế...? Đó là những trăn trở của chị Phan Thị Nhung - chủ Xưởng may Cường Nhung, hội viên phụ nữ xã Hải Anh, huyện Hải Hậu - người đã có công lớn trong việc tìm nghề về cho chị em hội viên phụ nữ quê hương.

Được biết đến chị Phan Thị Nhung tại Đại hội Đại biểu phụ nữ xã Hải Anh khi chị được đại diện cho gần 3.000 hội viên phụ nữ trong xã tham luận về nội dung ‘Hội viên phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp nhau làm kinh tế cùng nhau phát triển’. Những ngày cuối tháng tư, chúng tôi về xóm 24, xã Hải Anh. Tiếp đón chúng tôi tại xưởng sản xuất, chị Phan Thị Nhung với nụ cười luôn nở trên môi. Người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn đã để lại ấn tượng về sự năng động, tự tin, dám nghĩ, dám làm và hết lòng vì chị em phụ nữ. Để hôm nay, những thành quả đạt được sau quá trình phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi của chị đã mang đến cuộc sống tương đối ổn định cho rất nhiều chị em phụ nữ ở quê nhà.

 

Chị Phan Thị Nhung - chủ Xưởng may Cường Nhung (áo trắng) đang kiểm tra chất lượng thành phẩm

          Chị Nhung năm nay mới ngoài 30, nhưng đã có đến 16 năm bén duyên với nghề thợ may từ người cậu của mình. Trước đây cuộc sống còn khó khăn, chị Nhung lúc 15 tuổi đã theo người cậu vào trong miền Nam học việc thợ may, tuổi còn trẻ nhưng rất nhạy bén tiếp cận công việc.

          Kể về chị Nhung và sự phát triển của xưởng may Cường Nhung để có được như ngày hôm nay là cả một chặng đường dài. Chị cho biết khoảng thời gian đầu lúc đó xuất phát từ cuộc sống bộn bề nhiều nỗi lo toan, thu nhập không đáng kể để trang trải cho cuộc sống. Với suy nghĩ về tiềm lực của nghề may có thể phát triển ở quê hương. Nhận thấy ở trong xóm, trong xã lực lượng lao động, đặc biệt là lao động nữ sau mỗi mùa vụ nhàn rỗi nhiều, cộng với nghề làm may có nhiều công đoạn không đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao. Sau thời gian làm nghề tích lũy được kha khá kiến thức và kinh nghiệm cùng với sự quyết tâm sẵn có, chị quyết định đi tìm hiểu các đầu mối nguồn hàng làm quen và nhận việc về quê và hướng dẫn chị em làm thử. Chị Nhung chia sẻ: ‘Trong thời gian mở xưởng tại nhà, thị trường cũng đã nhiều lần gặp phải bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên các đầu mối không xuất được hàng, bản thân phải đứng ra gánh vài trăm triệu nợ công cho thợ. Cố gắng kiên trì, cố gắng tìm kiếm thị trường và duy trì giữ nghề cho chị em, đến nay xưởng đã dần phục hồi và ổn định’.

          Từ một thợ may với lương tháng vài trăm nghìn, đến nay chị Nhung đã có 1 xưởng may các hàng thời trang rộng 150m2, hoạt động ổn định từ 7 năm nay, có 50 công nhân làm việc tại xưởng đều là các chị em phụ nữ trong xóm, trong xã với mức lương từ 4 - 15 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra chị Nhung còn tạo điều kiện, hướng dẫn cho 36 chị em phụ nữ khác tranh thủ lúc nông nhàn hoặc ở các xã xa nhận việc về làm tại nhà kiếm thêm thu nhập.

 

Chị Nhung tận tay hướng dẫn việc làm cho công nhân

Chị Nhung dẫn chúng tôi đi thăm quan xưởng may với không khí sản xuất rất sổi nổi, mỗi người phụ trách một công đoạn để hoàn thiện sản phẩm. Tiếng cười nói trò chuyện vui vẻ, môi trường làm việc thân thiện, tinh thần của chị em công nhân ở đây rất thoải mái, khác hẳn so với tưởng tượng của chúng tôi trước khi bước vào một xưởng sản xuất. Chị Nhung chia sẻ: ‘Mỗi chuyến hàng nhiều cả nhà phải thức thâu đêm để kiểm hàng và chuyển hàng ngay vào đầu giờ sáng. Mỗi ngày trung bình xưởng may hoàn thiện được khoảng 1.600 sản phẩm thời trang như váy, áo sơ mi, Vest cho mọi lứa tuổi’. Với tay nghề kỹ thuật đáp ứng được nhu cầu của thị trường, xưởng may của chị Nhung được các đầu mối uy tín ở Hà Nội tin tưởng và nhận đặt hàng cố định. Nhờ đó, doanh thu của xưởng đã duy trì từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

          Trong câu chuyện với chúng tôi về hội viên phụ nữ xã Hải Anh chị Nguyễn Thị Nhung - Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: ‘Chị em hội viên phụ nữ xã Hải Anh nói chung luôn tích cực học tập, tìm hiểu nắm bắt kỹ thuật công nghệ tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và nhiều thương hiệu sản phẩm đã có uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Chủ động tham gia khôi phục, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của địa phương. Trong đó đặc biệt có chị Phan Thị Nhung - hội viên Chi hội 24, xã Hải Anh. Ngoài phát triển kinh tế chị Nhung còn rất tích cực tham gia các phong trào do Hội LHPN và địa phương phát động’.

          Năm 2020, trước tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, chị Nhung đã vận động các chị em trong Xưởng tự may và đóng góp hơn 3.000 chiếc khẩu trang phát tặng cho các chị em phụ nữ trong xã, góp phần giúp chị em phòng chống nguy cơ lây nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, chị Nhung còn là nhân tố tiêu biểu với các phong trào do các cấp Hội phát động như ‘Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc’, cuộc vận động ‘Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang’, ‘Chi hội phụ nữ xây dựng gia định 5 không, 3 sạch xây dựng NTM bền vững và phát triển’. Từ những phong trào này Hội LHPN các cấp trong huyện đã động viên, hỗ trợ, giúp đỡ và khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho những hội viên như chị Nhung mở rộng sản xuất để chị em phụ nữ có thu nhập ổn định cuộc sống.

          Chị Nhung cùng gia đình đã có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng NTM bền vững và phát triển, nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương. Ghi nhận những đóng góp của chị Nhung với các phong trào, đặc biệt là tấm lòng vàng của chị, Hội LHPN huyện đã đề nghị UBND huyện khen thưởng cho chị Phan Thị Nhung, đồng thời các cấp hội lấy tấm gương của hội viên tiếp tục vận động, hỗ trợ chị em phụ nữ trong toàn huyện nhân rộng mô hình phát triển kinh tế.

          Trao đổi với chúng tôi về những trăn trở với nghề, chị bày tỏ ước mong trong thời gian tới sẽ mở rộng thêm mô hình sản xuất để tạo thêm nhiều việc làm cho chị em hơn nữa. Chia tay chị Nhung, cũng vẫn với nụ cười thật trìu mến ấy, chị chia sẻ: ‘Phụ nữ sẽ thấy tự tin khi mình có thể làm chủ kinh tế gia đình và mình cảm thấy hạnh phúc khi đã tạo việc làm ổn định cho nhiều chị em’. Câu nói khiến chúng tôi thực sự cảm phục nhiệt huyết và tấm lòng của chị. Đó cũng là động lực cho chị vươn tới những thành công ban đầu. Mong chị giữ vững tâm huyết để tiếp tục mang lại một cuộc sống no ấm, đầy đủ hơn cho gia đình và người dân lao động trên quê hương mình./

Hội LHPN huyện Hải Hậu



:: Tin khác