Tin nổi bật

PTTĐ - Cuộc vận động

Khởi nghiệp thành công từ sản phẩm nông nghiệp sạch
Nhập ngày: Thứ 4, Ngày 13 / 07 / 2022
Chị Bùi Thị Mơ, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và Kinh doanh thực phẩm Đông Nam Á, thôn Hậu Bồi Tây, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) với nhiệt huyết, đam mê đã sản xuất, cung cấp cho thị trường các loại nông sản sạch, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

 

Chị Bùi Thị Mơ (bên trái), Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và Kinh doanh thực phẩm Đông Nam Á, xã Mỹ Phúc
(Mỹ Lộc) giới thiệu sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông anh chị em, ngay từ nhỏ chị Mơ đã gắn bó với đồng ruộng. Đối với một số người, làm nông có thể là công việc vất vả, nặng nhọc nhưng với chị Mơ thì không. “Vì thực sự tôi rất yêu ruộng đồng, cây cối, thích được ra đồng, làm đồng. Quá trình lao động trên đồng ruộng, tôi cảm thấy thoải mái, gắn bó và hiểu thiên nhiên, đất đai hơn”, chị Mơ chia sẻ. Yêu thích làm nông nghiệp nên chị Mơ quyết định khởi nghiệp từ cây lúa. Năm 2015, chị bàn với chồng nhận lại diện tích đất bị bỏ hoang của người dân trong thôn trồng lúa thảo dược. Tuy nhiên, để trồng được giống lúa này không phải đơn giản, trong đó khâu cải tạo đất “ngốn” nhiều thời gian, công sức, tiền bạc hơn cả. Khi nhận đấu thầu lại những đám ruộng bị bỏ hoang có nơi cỏ mọc quá đầu người, đất bị bạc màu, nghèo chất dinh dưỡng chưa kể còn sâu bệnh. Để cải tạo đất, chị thuê người làm cỏ, dùng phân chuồng ủ mục bón cho đất, bổ sung thêm các vi sinh vật có lợi cho đất. Khi đất đã thực sự “sạch”, chị chọn giống lúa tím thảo dược của Nghệ An về trồng. Quá trình canh tác, chị tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như ốc bươu vàng, cá tạp, cám gạo, rác hữu cơ… ngâm ủ cùng vi sinh để làm phân bón, giảm chi phí mua phân, lượng rác thải hữu cơ ra môi trường. Ngoài ra, chị tận dụng các loại cây, thảo dược dễ kiếm như riềng, xả, ớt, húng chanh, lá trầu không… ngâm cùng vi sinh để làm thuốc bảo vệ thực vật, giúp diệt sâu bọ từ trong trứng cũng như xua đuổi sâu non, sâu trưởng thành cho cây lúa. “Kỹ” từ khâu trồng, chăm bón, vụ mùa đầu tiên, chị Mơ thu được gần 30 tấn lúa, năng suất trung bình cao hơn so với các mô hình trồng lúa bằng thảo dược khác. Thu hoạch lúa xong, chị Mơ xay thành gạo, đóng bao bì, hút chân không và bán cho chuỗi các nhà hàng kinh doanh đồ chay trên toàn quốc với giá 35 nghìn đồng/kg. Ngoài ra chị còn chế biến gạo thảo dược thành các sản phẩm như bún, phở khô, miến, cháo, mỳ ăn liền, cơm cháy… mà thị trường đang ưa chuộng. Theo tính toán của chị Mơ, việc trồng lúa thảo dược cho hiệu quả kinh tế gấp 2 lần với trồng lúa truyền thống. 

Trồng và kinh doanh lúa thảo dược thành công, mô hình của chị Mơ được nhiều nông dân trong tỉnh học tập. Quá trình canh tác, người trồng lúa sẽ chủ động các khâu chăm bón và chế biến sản phẩm từ đó có thể “định giá” cho sản phẩm mà không bị tiểu thương ép giá, hạ giá. Ngoài ra, việc trồng lúa sạch còn giúp bảo vệ môi trường sống cũng như sức khỏe của người nông dân. “Thừa thắng” từ trồng lúa thảo dược, chị Mơ tiếp tục cải tạo đất để trồng các loại cây ăn quả, rau như: ổi lê, đu đủ, rau muống, mồng tơi, rau cải, rau ngót… xuất bán cho chuỗi cửa hàng nông nghiệp sạch trong tỉnh và thành phố Hà Nội. Trung bình hàng năm từ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp sạch chị Mơ thu về từ 1,7-1,8 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động thường xuyên và 50 lao động thời vụ. Không chỉ đam mê làm sản phẩm nông nghiệp sạch, chị Mơ hiện còn mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang cả dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp. Để phát triển mô hình mới mẻ này chị thuê đất tại thôn Bườn, xã Mỹ Thắng xây dựng khu du lịch sinh thái Thành Nam Fram. Trên diện tích đất gần 6ha, chị trồng các loại hoa như cúc, bạc hà… chế biến thành trà hoa phục vụ nhu cầu uống sạch của thị trường. Ngoài ra chị cũng đầu tư xây dựng thêm một số hạng mục như nhà cửa, các khu chụp ảnh, vui chơi để học sinh, sinh viên, người dân có dịp trải nghiệm.

Để tiếp tục phát triển mô hình làm nông nghiệp sạch, chị Mơ đang ấp ủ rất nhiều ý tưởng, dự định lớn. “Quá trình canh tác và bán các sản phẩm nông nghiệp, tôi nhận thấy việc chế biến nông sản chính là nền tảng để nâng tầm giá trị sản phẩm. Từ đó giúp cho các mặt hàng nông nghiệp có thể phát triển bền vững, mở ra những cánh cửa lớn cho xuất khẩu”, chị Mơ chia sẻ thêm. Nhận thức được vấn đề “cốt lõi”, chị Mơ đang dần chuyển hướng sản xuất, kinh doanh, kết hợp trồng trọt với chế biến. Để “hiện thực hóa” ý tưởng, chị đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Bước đầu, chị đang thuê một số công ty để chế biến gạo, các loại rau củ đang trồng, đồng thời nghiên cứu, phát triển thành công một số sản phẩm gạo mầm tươi, cơm tươi ăn liền, cháo tươi ăn liền... Các sản phẩm như miến khô, đu đủ khô của công ty cũng đã xuất bán được ở Lào và thị trường châu Âu.

Yêu thích, đam mê làm nông nghiệp sạch, chị Bùi Thị Mơ đã dần thực hiện được ước mơ cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, giúp chị trở thành “tỷ phú nhà nông”. Tấm gương của Mơ rất đáng để nhiều hội viên phụ nữ trong tỉnh học tập, noi theo./.

Nguồn Báo Nam Định 



:: Tin khác