Tin nổi bật

PTTĐ - Cuộc vận động

Làm giàu từ kinh tế VAC
Nhập ngày: Thứ 4, Ngày 17 / 03 / 2021
Trang trại VAC của gia đình chị Nguyễn Thị Út, thôn La Ngạn 2, xã Yên Đồng (Ý Yên) nằm giữa cánh đồng có diện tích trên 2.000m2 được bố trí gọn gàng, khoa học với hệ thống chuồng trại, ao nuôi sạch sẽ, thoáng mát. Xen giữa khu nuôi trồng là những ruộng màu tươi tốt, những gốc bưởi sai trĩu quả.

 

Trang trại VAC của chị Nguyễn Thị Út, thôn La Ngạn 2, xã Yên Đồng (Ý Yên) hàng năm cho thu nhập cao.

‘Trước đây điều kiện kinh tế gia đình tôi rất khó khăn. Để lo cho con cái ăn học, 2 vợ chồng tôi ngoài làm ruộng còn thay nhau đi làm thuê. Ai thuê gì chúng tôi cũng làm, từ cấy gặt, phun thuốc trừ sâu đến phụ hồ… đều không nề hà. Đến nỗi, trong ngoài xã có ai cần thuê người, hàng xóm láng giềng đều chỉ ngay vào nhà tôi’ - Chị Út chia sẻ. Chăm chỉ, siêng năng là thế nhưng chỉ với vài sào ruộng, đi làm thuê, kinh tế gia đình chị sau nhiều năm ‘nghèo vẫn hoàn nghèo’. Năm 2006, vợ chồng chị Út nhận đấu thầu trên 2.000m2 để mở trang trại VAC. Để mở trang trại, ngoài số tiền ít ỏi chắt bóp dành dụm được, vợ chồng chị phải vay mượn thêm từ anh em họ hàng, Ngân hàng NN và PTNT. Bước đầu, chị Út xây chuồng nuôi 9 con lợn thịt và thuê người đào ao thả các loại cá như trắm, trôi, chép, mè; trên bờ chị kết hợp trồng thêm lạc, ngô. Vợ chồng chị còn nhận thêm 2 mẫu ruộng cấy lúa. Có kinh nghiệm chăn nuôi, làm nông nghiệp nhiều năm nhưng khi mở trang trại, chị Út cùng với chồng vẫn thường xuyên đến một số trang trại khác trong vùng để học hỏi kiến thức nuôi, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Thời gian rỗi rãi, vợ chồng chị xem các chương trình khuyến nông trên ti vi để học hỏi thêm kiến thức. Không phụ công vợ chồng chị Út, công việc chăn nuôi của gia đình chị đã mang lại hiệu quả kinh tế. Làm ăn thuận lợi giúp gia đình dành dụm được ít nhiều, chị Út xây thêm 2 dãy chuồng lợn, 1 dãy dùng để nuôi lợn thịt, 1 dãy chuồng để nuôi lợn giống với tổng số tiền lên đến gần 300 triệu đồng. Ngoài ra chị còn mở rộng diện tích ao lên khoảng 3 sào. Trang trại lúc này luôn có từ 70-90 con lợn thịt, vài tấn cá. Bên cạnh đó, chị còn nuôi thêm bò, gà, ngỗng… Hàng năm, trừ chi phí, gia đình chị thu về 200-300 triệu đồng. Tuy nhiên ‘thời điểm vàng’ của chị Út không kéo dài lâu. Trong 5 năm trở lại đây, công việc chăn nuôi của gia đình chị Út gặp khó khăn. Những năm 2017-2018 khi việc nuôi lợn thuận lợi thì giá cả lại ‘xuống đáy’. Từ năm 2019 khi ‘cơn bão’ dịch tả lợn châu Phi ‘càn quét’ các trang trại, gia đình chị Út có lúc điêu đứng. ‘Năm 2019, có những thời điểm 30-40 con lợn trong chuồng nhiễm bệnh phải mang đi tiêu hủy. Mỗi ngày vợ chồng tôi ra thăm chuồng lợn mà buồn đến phát khóc’, chị Út kể. Chuồng trại bỏ không khá nhiều, số lượng đàn giảm xuống chỉ còn 20-30 con lợn. Là một người năng động, dám nghĩ dám làm, để ‘cứu’ trang trại, chị Út bàn với chồng tập trung nuôi cá, bò, lợn rừng, gia cầm. Nghĩ là làm, chị đầu tư vốn mua 4 con bò sinh sản, 70-80 con ngỗng, thả thêm vài trăm con gà. Ngoài ra, chị còn nuôi thêm mấy cặp lợn rừng, mỗi năm suất bán từ 4-5 tạ thịt, mua thêm máy xay xát gạo. Theo tính toán của chị Út, các con nuôi mới lãi và an toàn hơn nuôi lợn thịt, chi phí thức ăn, phòng dịch cũng ít tốn kém hơn. Vì thế, đây cũng là con nuôi được gia đình chị ưu tiên trong tương lai. Đối với cây trồng, nhận thấy các loại bưởi diễn, bưởi da xanh cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, chị Út cải tạo đất trồng thêm 50 gốc bưởi. Chuyển hướng nuôi trồng kịp thời đã giúp gia đình chị Nguyễn Thị Út hạn chế được thiệt hại kinh tế, duy trì hoạt động của trang trại. Năm 2020, mặc dù tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp nhưng sau khi trừ chi phí, gia đình chị vẫn thu về hơn 100 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập ổn định, vợ chồng chị Út có điều kiện đầu tư cho các con ăn học, trưởng thành, mua sắm tiện nghi sinh hoạt cho gia đình và đầu tư trang thiết bị, tái tạo sản xuất, mở rộng mô hình. Chị chia sẻ: ‘Thời gian tới tôi muốn mở rộng trại hơn nữa, muốn đưa nhiều cây, con mới về nuôi trồng, trong đó ưu tiên nuôi bò sinh sản và cá. Tôi dự định sẽ mở rộng đàn lợn rừng vì thị trường tiêu thụ tốt, ổn định. Hơn nữa sức đề kháng, chống chọi với bệnh tật của lợn rừng tốt hơn lợn nhà nên nguy cơ mắc bệnh cũng hạn chế. Mục tiêu của gia đình là mỗi năm là trang trại thu lãi từ 200-300 triệu đồng’. Làm kinh tế giỏi, chị Út luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng trang trại, nuôi trồng với những người có cùng mục đích. Trang trại của chị, vì thế còn là ‘địa chỉ’ tin cậy cho nhiều hội viên phụ nữ, nông dân đến học hỏi, tham quan. Mong muốn lớn nhất của chị Út hiện nay là được hỗ trợ nguồn vốn vay, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; Nhà nước có các chính sách khuyến khích, ủng hộ các mô hình kinh tế mới và đặc biệt là trợ giá cho các sản phẩm nông sản để người nông dân yên tâm sản xuất.

Năng động, kiên trì, chăm chỉ đã đem lại thành công, những ‘quả ngọt’ cho chị Nguyễn Thị Út trong phát triển kinh tế gia đình. Hiệu quả của mô hình mang lại đã giúp chị vượt khó, làm giàu trên đồng đất quê hương./.

Báo Nam Định



:: Tin khác