Tin nổi bật

Phụ nữ và cuộc sống

Lễ hội phủ giày
Nhập ngày: Thứ 2, Ngày 21 / 03 / 2022
Di tích Phủ Dầy tại Nam Định gắn liền với sự giáng sinh lần thứ hai của Bà Chúa Liễu Hạnh. Hằng năm, cứ vào dịp đầu xuân năm mới, đền lại mở rộng cửa đón hàng ngàn du khách từ bốn phương về cúng lễ, dâng hương Thánh Mẫu linh thiêng. Cầu thỉnh thánh phù hộ độ trì cho gia quyến trong ấm ngoài êm, năm mới thuận lợi, cát tường như ý.

 


          Lễ Hội Phủ Giầy đươc tổ chức hàng năm vào tháng 3 âm lịch (1/3  -10/3). Lễ hội nhằm tôn vinh ‘Mẫu’ Liễu Hạnh. Một nhân vật tín ngưỡng nằm trong hàng ‘Tứ bất tử được người dân Việt Nam suy tôn: Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Tiên Chử Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh. Đặc biệt lễ hội mang một ý nghĩa tâm linh to lớn trong lòng người dân xứ Nam Định.

Phủ Dầy là tên gọi của quần thể di tích tâm linh của người Việt tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản,  tỉnh Nam Định. Trong đó, kiến trúc quan trọng nhất là đền thờ bà chúa Liễu Hạnh ngay sát chợ Viềng. Phủ Dầy trước có tên cổ là Kẻ Giầy – xuất phát từ truyền thuyết Bà Chúa Liễu Hạnh vì quá thương nhớ gia đình nên đã để lại một chiếc giày ở trần gian trước khi về thượng giới.

 Theo truyền thuyết kể lại, Liễu Hạnh nguyên là công chúa Quỳnh Hoa - con gái Ngọc Hoàng. Sau này vì đánh rơi chén ngọc nên bị giáng xuống trần vào năm 1557. Bà đầu thai vào nhà Lê Thái Công và được đặt tên là Giáng Tiên. Tiên chúa lớn lên xinh đẹp hơn người, giỏi ngâm thơ vịnh phú, đọc sách gẩy đàn. Khi vừa tròn 18 tuổi, Tiên chúa được phụ mẫu hứa hôn cùng Trần Đào Lang nhưng Bà nhất định không chịu, chỉ muốn thanh tu cho khỏi trần lụy. Sau rồi, Tiên chúa cũng chấp nhận kết duyên cho tròn kiếp và không để phụ lòng thân phụ thân mẫu. đến năm 21 tuổi thì Bà không bệnh mà mất vào giờ dần ngày 3 tháng 3 năm Đinh Sửu, niên hiệu Gia Thái ngũ niên triều vua Lê Thế Tôn (1577).

Đồng thời dân gian còn lưu truyền huyền thoại: Vua đi ngang qua vùng này và nghỉ đêm ở quán hàng của bà chúa Liễu Hạnh, sau đó được tặng một đôi giày nên đã lập nơi thờ tự gọi là Phủ Giầy. Còn khi gọi là Phủ Dầy vì chính nơi này có món bánh dày nổi tiếng, lại có người cho rằng, Kẻ Giầy xuất phát từ nơi có gò đất nổi lên hình bánh dày trước cửa phủ. Sau này khi Liễu Hạnh được phong thành Mẫu Nghi của đất Việt, Chế Thắng Hòa diệu Đại vương và sắc phong Thượng đẳng tối linh thành. Nơi đây cũng đổi tên từ Phủ Giầy thành Kẻ Giầy.

Phủ Giầy có nghĩa là đền lớn của Kẻ Giày. Không rõ Phủ Giày được xây từ năm nào. Chỉ biết rằng năm 1557 thời vua Lê Anh Tông làng Kẻ Dầy mới lấy tên chữ là xã An Thái, chia làm bốn thôn: Vân Cát, Vân Đình, Vân Cầu, Nham Miếu. Vì hai quan tiến sĩ Trần Ngọc Kỳ và Trần Bích Hoành cùng xã An Thái bất bình với nhau về chức Tiên chỉ, không ai nhường ai nên dân sở tại xin chia xã An Thái làm hai xã nhỏ: một xã lấy tên là Tiên Hương và một xã là Vân Cát, cách nhau 2 km. Mỗi nơi có phủ thờ Liễu Hạnh riêng. Sau này Phủ Giầy cũng chia kiến trúc thành 2 khu vực riêng tên là phủ Tiên Hương và phủ Vân Cát.

Trong tổng số 21 công trình kiến trúc của quần thể Phủ Dầy, có 3 công trình liên quan chặt chẽ tới Thánh Mẫu Liễu Hạnh là phủ Tiên Hương (phủ chính), phủ Vân Cát và lăng Chúa Liễu.

Phủ Tiên Hương (phủ chính) là một công trình có kiến trúc đẹp được xây dựng từ thời Cảnh Trị nhà Lê (1663 – 1671), đã qua nhiều lần trùng tu. Phủ Tiên Hương có 19 toà với 81 gian lớn nhỏ, mặt phủ quay về phía tây nam nhìn về dãy núi Tiên Hương. Trước phủ có hồ tròn, rồi đến một sân rộng, sau đó là 3 toà nhà dàn hàng ngang hai tầng, tách mái: nhà bia, nhà trống, nhà chiêng là nơi đón khách tới hành hương. Một hồ bán nguyệt có lan can thấp bao quanh, có bình phong và hai cầu vượt bằng đá chạm khắc hình rồng vớt đường nét tinh xảo. Điện thờ chính của Phủ có 4 lớp thờ (4 cung): đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ. Các cung đều được chạm khắc tinh vi các hình ảnh rồng, phượng, hổ…. Chính cung (cung đệ nhất) có một khám thờ khảm trai, bề thế và tinh xảo. 

          * Phủ Vân Cát cách phủ Chính không xa và cũng có đền thờ Thánh Mẫu. Phủ được xây dựng trên khu đất rộng gần 1ha, mặt quay về hướng Tây Bắc. Phủ Vân Cát hiện nay có 7 toà với 30 gian lớn nhỏ. Phía trước là hồ bán nguyệt, giữa hồ là nhà thủy lâu, 3 gian, mái cong, sau hồ là hệ thống cửa Ngọ môn với 5 gác lầu. Phủ Vân Cát cũng có 4 cung như ở phủ Tiên Hương. Trung tâm là nơi thờ chúa Liễu, bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là đền thờ Lý Nam Đế.

* Lăng Bà Chúa Liễu nằm bên cạnh phủ Chính được xây dựng vào năm 1938. Lăng được xây dựng toàn bộ bằng đá xanh, chạm trổ hoa văn đẹp tinh xảo, là khu vực hình chữ nhật với tổng diện tích 625m2, gồm có cửa vào lăng theo hướng đông tây, nam bắc. Các cửa đều có trụ cổng trên đắp hình búp sen. Giữa lăng là ngôi mộ khối bát giác, mỗi cạnh chừng 1m. Toàn lăng có tổng cộng 60 búp sen, tạo điểm ấn tượng riêng biệt cho lăng của vị thần chủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

Năm 1975, Phủ Dầy đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng Di tích Văn hóa Lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại có Quyết định công nhận nghi lễ chầu văn – hầu đồng ở tỉnh Nam Định và Hà Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. tháng 11-2016, UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm nhằm tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vị thần chủ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng ở nhiều nơi nhưng lễ hội Phủ Dầy là lớn hơn cả và độc đáo hơn cả. Lễ hội kéo dài nhiều ngày và có nhiều hoạt động độc đáo, trong đó nổi bật nhất là nghệ thuật hát văn và hầu đồng. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì lễ hội Phủ Dầy là một thành phần quan trọng tạo nên ‘bản đại diễn xướng sử thi Liễu Hạnh’.

Lễ hội phủ Dầy có ba nghi thức chính, bao gồm:

+ Lễ rước đuốc: diễn ra vào tối mùng 5/3 âm lịch. Theo quan niệm dân gian, ngọn lửa thiêng được rước từ nơi thờ Thánh Mẫu trong những ngày lễ hội sẽ xua tan những gì đen tối, đem lại sự may mắn, sinh sôi. Nghi thức rước đuốc được tổ chức vào buổi tối giữa không gian làng quê Bắc Bộ yên bình, tạo thành một hình ảnh đẹp, biểu tượng cho niềm tin, hy vọng của người dân vào những điều tốt lành sẽ đến trong cuộc sống.

+ Nghi lễ rước Mẫu thỉnh kinh:  diễn ra vào sáng ngày 6/3 âm lịch, từ phủ Tiên Hương lên chùa Gội sẽ được tổ chức với sự tham gia của các vị cao niên, các thanh đồng cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Trong đoàn rước còn có các đội kèn, trống, bát âm, múa rồng, múa sư tử, múa tứ linh, múa võ; các kiệu bát cống, long đình, kiệu võng...

+ Lễ hội đó là ‘Hoa trượng hội’ (còn gọi là hội kéo chữ): diễn ra trong 3 ngày từ ngày 7 - 9/3 âm lịch. Trước khi tổ chức kéo chữ, lý kỳ lý dịch phải lên phủ lễ Mẫu để xin kéo chữ. Mỗi lần xếp chữ cần khoảng 100 phu cờ. Họ thường quấn khăn đỏ, mặc áo vàng, bụng thắt khăn đỏ, quần trắng, chân quấn xà cạp đỏ. Mỗi người cầm cây gậy dài khoảng 4m, cuốn giấy nhiều màu, đầu gậy có ‘ngù’ bằng lông gà. Tổng cờ sẽ là người điều khiển các phu cờ. Dưới sự điều khiển của tổng cờ, phu cờ chạy thành hàng một, vòng theo đường quanh hồ trước cửa phủ Dầy rồi trở về sân và đứng vào vị trí đã định hình, hình thành dần cả nét chữ cho đến khi xếp xong. Chữ xếp thường là 4 chữ: ‘Mẫu nghi thiên hạ’, ‘Quang phục thánh thiện’ hoặc ‘Hòa cốc phong đăng’, ‘Thiên hạ thái bình’. Người dân Phủ Dầy cho rằng tuỳ theo chữ kéo đầu năm mà năm đó Mẫu sẽ ‘gia ân’ hay ‘gia uy’ cho con nhang đệ tử. Có thể nói đây là hoạt động vừa là lễ nghi vừa là trò chơi dân gian quy mô và đẹp mắt, thu hút được hàng nghìn người tham gia và cổ vũ tán thưởng.

Bên cạnh ba lễ chính thì trong giai đoạn lễ hội Phủ Dầy diễn ra còn có các trò chơi truyền thống vô cùng thú vị như: thi hát văn, hát chèo, múa rối nước, đấu vật, đấu cờ người, thổi cơm thi... Đặc biệt, là nghi lễ hầu đồng gắn với hát văn. Giữa làn khói hương mờ ảo, giọng hát văn, tiếng trống phách, đàn nguyệt, sáo nhị vang lên, lúc dìu dặt, khoan thai, khi dồn dập cùng với động tác lắc lư, nhún nhảy, tâm trạng biến hóa của thanh đồng… khiến không gian lễ hội trở nên huyền ảo. Ngoài các giá đồng ca ngợi công lao của Thánh Mẫu, các giá Quan Đệ Nhất, Ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy, Cô Bơ, Cô Chín... còn có các giá đồng ca ngợi những người có công lao với nước, với dân, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương đất nước… 

Lễ hội diễn ra trong không khí tưng bừng, sôi nổi, từ trẻ đến già ai nấy cũng đều nô nức tham gia lễ hội. Nhằm bày tỏ lòng thành kính với Thánh Mẫu cũng như cầu mong những điều thuận lợi, may mắn cho một năm mới đầy phấn khởi. 

 

Ban Tuyên giáo - CSLP



:: Tin khác