Tin nổi bật

PTTĐ - Cuộc vận động

Hội Phụ nữ Nghĩa Hưng hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế
Nhập ngày: Thứ 5, Ngày 15 / 09 / 2022
xác định hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Nghĩa Hưng đã phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tài chính đẩy mạnh công tác ủy thác tín dụng, tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

    

Hội viên phụ nữ huyện Nghĩa Hưng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sạch tiêu biểu


       Hội LHPN huyện Nghĩa Hưng đang nhận ủy thác và phối hợp với các tổ chức tín dụng cho hội viên vay vốn qua các kênh: Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN và PTNT, Quỹ Châu Á, Quỹ TYM...; trong đó dư nợ của Ngân hàng CSXH là lớn nhất. Để đẩy mạnh công tác ủy thác tín dụng, trên cơ sở văn bản liên tịch đã ký kết với các ngân hàng, tổ chức tài chính, đặc biệt là Ngân hàng CSXH, ngay từ đầu năm, Hội LHPN huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo Hội Phụ nữ các cấp quản lý tốt nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nghiêm túc thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngân hàng về cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động của các ngân hàng, về huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) theo định kỳ tháng, về việc sử dụng vốn vay đúng mục đích; phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, điều hành các nguồn vốn tín dụng chính sách cho 100% chị em trong Ban quản lý Tổ TK-VV, cán bộ Ban Thường vụ Hội Phụ nữ cơ sở. Thông qua các lớp tập huấn đã trang bị cho cán bộ Hội, Ban quản lý Tổ TK-VV những kiến thức cơ bản về công tác giảm nghèo, quản lý vốn vay, các tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần giúp hộ vay sử dụng hiệu quả nguồn vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, ủy nhiệm tại cơ sở và đặc biệt là kiểm tra việc sử dụng tiền vay của thành viên Tổ TK-VV. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện đã phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng đưa các chương trình tín dụng đến đúng đối tượng người được thụ hưởng. Hội LHPN các cấp còn đặc biệt chú trọng công tác bình xét đối tượng cho vay tại các Tổ TK-VV, giám sát quá trình sử dụng vốn vay và đôn đốc người vay trả nợ gốc, lãi đúng thời hạn, tuyên truyền vận động thu tiền gửi tiết kiệm của thành viên vay vốn, coi đây là những khâu có tính quyết định đến chất lượng tín dụng và hoạt động ủy thác... 

       Với việc triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, hoạt động ủy thác nguồn vốn của các cấp Hội Phụ nữ trong huyện có những chuyển biến tích cực, các Tổ TK-VV thực hiện tốt quy chế ủy thác. Đến đầu tháng 6-2022, các cấp Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng nhận ủy thác trên 296 tỷ đồng cho 8.252 hộ vay. Trong đó, nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH đạt trên 262 tỷ đồng, cho 6.101 hộ vay. Vốn Quỹ Châu Á là 163 triệu đồng, cho 16 thành viên vay. Vốn Quỹ TYM đạt 35 tỷ đồng cho 1.500 thành viên vay. Cùng với việc vay vốn, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện tiếp tục duy trì hiệu quả các mô hình tiết kiệm tại 100% chi hội. Theo đó, 100% thành viên Tổ TK-VV do Hội Phụ nữ quản lý tham gia thực hiện gửi tiền tiết kiệm định kỳ hàng tháng. Đến nay, tổng số tiền vận động tiết kiệm của huyện đạt trên 33,5 tỷ đồng. Trong đó, có 6.164 hội viên gửi tiết kiệm qua kênh Ngân hàng CSXH với số tiền 17 tỷ 584 triệu đồng. 

       Từ nguồn vốn tín chấp từ ngân hàng, nhiều hội viên trong huyện đã sử dụng vốn đúng mục đích, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nâng cao thu nhập. Điển hình như chị Phạm Thị Định, chủ cơ sở sản xuất miến dong sạch Bân Định, xóm 13, xã Nghĩa Lâm, tạo việc làm cho 20 lao động nữ với thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng; chị Phạm Thị Hồng, chủ cơ sở sản xuất nón lá, xóm 14, xã Nghĩa Châu, tạo việc làm cho 5 lao động nữ tại địa phương với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng; chị Đoàn Thị Rịu, chủ cơ sở trồng nấm sạch, đội 13, xã Nghĩa Phong tạo việc làm cho 6-10 lao động nữ lúc nông nhàn với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng... Là hội viên được vay vốn, đầu tư vào sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, chị Nguyễn Thị Nga, thị trấn Quỹ Nhất chia sẻ: “Khi mới lập gia đình, hai vợ chồng tôi rất khó khăn, bố mẹ chồng già yếu, không có khả năng lao động, các con còn nhỏ lại thường xuyên đau ốm. Năm 2013, nhờ có sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền, Hội Phụ nữ các cấp, tôi được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng vốn hộ nghèo để phát triển kinh tế gia đình”. Có nguồn vốn, chị Nga mạnh dạn đầu tư xây chuồng trại, mua 2 con bò nái sinh sản để chăn nuôi. Không chỉ hỗ trợ chị Nga vay vốn, tổ chức Hội Phụ nữ còn thường xuyên tạo điều kiện giúp chị tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng diện tích chuồng trại, đa dạng hóa con nuôi. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, chị Nga thu được trên 150 triệu đồng/năm, thoát nghèo bền vững.

       Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện tiếp tục làm tốt công tác ủy thác vốn vay từ các kênh ngân hàng, tổ chức tài chính; đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi”, tiết kiệm, tích lũy, hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ đó, giúp hội viên phụ nữ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện./.

Nguồn Báo Nam Định



:: Tin khác