HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM
Ngày thành lập: 20 – 10 – 1930
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ Việt Nam. Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế và Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN (Hiệp Hội các nước Đông Nam Á). Hội tham gia tích cực trong các hoạt động vì hoà bình, đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
MỤC ĐÍCH:
Là hoạt động vì sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ.
CHỨC NĂNG:
1. Đại diện, bảo vệ quyền bình đẳng, dân chủ, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước;
2. Đoàn kết, tập hợp, tuyên truyền, giáo dục, vận động, tổ chức hướng dẫn phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
NHIỆM VỤ:
1. Tuyên truyền, vận động, giáo dục phụ nữ giữ gìn, phát huy phẩm chất đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và phụ nữ Việt Nam; tổ chức, tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực về mọi mặt, tích cực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
2. Tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; tham mưu, đề xuất chính sách với Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ nhằm tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện bình đẳng và phát triển.
3. Tập hợp các tầng lớp phụ nữ, phát triển hội viên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
4. Đa dạng các nguồn thu hợp pháp để xây dựng và phát triển quỹ Hội, hỗ trợ chohoạt động của Hội.
5. Đoàn kết, hợp tác với phụ nữ các nước, các tổ chức, cá nhân tiến bộ trong khu vực và thế giới vì bình đẳng, phát triển và hòa bình.
HỆ THỐNG TỔ CHỨC: gồm 4 cấp
1. Trung ương
2. Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ( gọi là cấp tỉnh ).
3. Huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương ( gọi là cấp huyện).
4. Xã, phường, thị trấn và tương đương ( gọi là cấp xã ).
CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CAO NHẤT Ở MỖI CẤP HỘI :
Đại hội đại biểu phụ nữ hoặc Đại hội toàn thể hội viên của cấp đó.
Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp tổ chức 5 năm một lần. Trường hợp đặc biệt do Hội liên hiệp phụ nữ cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định.
Đại hội chỉ hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số đại biểu được triệu tập tham dự.
Thành phần, số lượng đại biểu Đại hội cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định và triệu tập.
Thành phần đại biểu chính thức của Đại hội mỗi cấp gồm: Ủy viên Ban Chấp hành đương nhiệm; Đại biểu bầu từ dưới lên; Đại biểu chỉ định ( không quá 10%).
- Ban Chấp hành các cấp do Đại hội cấp đó bầu ra là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa 2 kỳ Đại hội.
- Ban Chấp hành TW Hội bầu ra Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch.
- Ban Chấp hành các cấp ( tỉnh, huyện, cơ sở ) bầu ra Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó chủ tịch
PHONG TRÀO THI ĐUA; CÁC CUỘC VẬN ĐỘNG VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA CÁC CẤP HỘI PHỤ NỮ NHIỆM KỲ 2017-2022
I- Phong trào thi đua và các cuộc vận động
- Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
- Hai cuộc vận động:
+ “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”;
+ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”
II. Các nhiệm vụ trọng tâm
- Nhiệm vụ 1: Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc.
- Nhiệm vụ 2: Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
- Nhiệm vụ 3: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện giám sát, phản biện xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân.
|