Tin nổi bật

Văn bản - Tài liệu

3 điểm mới đối với công dân trong Luật Đất đai 2024
Nhập ngày: Thứ 5, Ngày 11 / 07 / 2024
Luật Đất đai 2024 có những điểm mới so với Luật Đất đai năm 2013 liên quan đến công dân như: Hộ gia đình không còn là đối tượng sử dụng đất; nâng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp; bổ sung quyền, nghĩa vụ với công dân đối với đất đai.



Ảnh minh họa

             Hộ gia đình không thuộc người sử dụng đất

Theo Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất có bao gồm hộ gia đình. Tuy nhiên, tại Điều 4 Luật Đất đai năm 2024 thì không có quy định hộ gia đình là người sử dụng đất.

Trước đây, do đặc điểm và hoàn cảnh lịch sử nên trong một số thời điểm nhất định, Nhà nước đã quy định giao đất cho hộ gia đình để lao động, sản xuất và sinh sống. Ngoài ra, có giai đoạn ở nước ta, một số địa phương có chính sách giãn dân nên các địa phương cũng giao đất ở cho hộ gia đình theo nhân khẩu. Tại thời điểm hiện nay, những chính sách này đã hết hiệu lực. Thực tế, việc xác định công sức đóng góp của các thành viên trong hộ gia đình là rất khó khăn, phức tạp, mất nhiều thời gian, gây ra những bất ổn, tranh chấp trong các thành viên gia đình. Vì vậy, việc quy định hộ gia đình không thuộc đối tượng sử dụng đất theo như Luật Đất đai năm 2024 là thực sự cần thiết, phù hợp.

Cụ thể ở khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai năm 2024, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành. Do đó, khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thì cơ quan chức năng không còn cấp đất cho hộ gia đình. Mặt khác, khoản 4 Điều 256 Luật Đất đai năm 2024 quy định, trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã cấp cho đại diện hộ gia đình trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành, nếu các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và ghi đầy đủ tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất. 

Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do các thành viên này tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Quy định này là thuận lợi và cần thiết, có ý nghĩa giảm thiểu thời gian tranh chấp nếu các vụ việc dân sự liên quan đến đất đai thì cơ quan tòa án sẽ giải quyết nhanh chóng hơn, tiết giảm thời gian hơn, vì các đương sự trong vụ việc đã rõ ràng, ý chí, thỏa thuận của các đương sự đã được ghi nhận trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Nâng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp

Theo Luật Đất đai năm 2013, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định. Tuy nhiên, tại Luật Đất đai năm 2024 đã quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân là không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 176 Luật Đất đai năm 2024. 

Ảnh minh họa

Bổ sung quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai

Luật Đất đai năm 2024 bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai, về quyền tiếp cận thông tin đất đai, về nghĩa vụ của công dân đối với đất đai. 

Theo đó, công dân có 6 quyền đối với đất đai gồm: 1. Tham gia xây dựng, góp ý, giám sát trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; 2. Tham gia quản lý nhà nước, góp ý, thảo luận và kiến nghị, phản ánh với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai; 3. Quyền về bình đẳng, bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai; 4. Tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật; đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật; 5. Nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; 6. Thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Về quyền tiếp cận thông tin đất đai, công dân được tiếp cận các thông tin đất đai gồm: 

1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; 

2. Kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; 

3. Giao đất, cho thuê đất; 

4. Bảng giá đất đã được công bố; 

5. Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; 

6. Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; 

7. Thủ tục hành chính về đất đai;

8. Văn bản quy phạm pháp luật về đất đai;

9. Các thông tin đất đai khác theo quy định của pháp luật.

Công dân có 3 nghĩa vụ đối với đất đai: 

1. Chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai; 

2. Giữ gìn, bảo vệ và phát triển tài nguyên đất; 

3. Tôn trọng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất khác.

Đây là những quy định rất cần thiết và trong thời gian tới, các luật sư khi tư vấn cho người dân cần phổ biến nội dung này để người dân biết, thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

Nguồn Báo PNVN



:: Tin khác