Đột quỵ có thể để lại di chứng nghiêm trọng cũng như có thể tái phát. Do đó, việc chăm sóc người bệnh sau đột quỵ là rất quan trọng. Ngoài một số biện pháp tự nhiên như ăn uống lành mạnh, tập thể dục phù hợp, bổ sung các vi chất cần thiết, tái khám định kì và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ,... việc sử dụng một số loại thảo mộc cũng có thể giúp người sau đột quỵ phục hồi nhanh hơn.
Dưới đây là 5 loại thảo dược có tác dụng thúc đấy quá trình hồi phục sau đột quỵ hiệu quả:
1. Bạch quả
Bạch quả được mệnh danh là "hoá thạch sống" vì là loại cây duy nhất còn sót lại của bộ thực vật cổ xưa. Loại thảo dược này là một vị thuốc trong y học cổ truyền. Nhờ có nhiều chất chống oxy hoá, đặc tính chống viêm,... bạch quả có thể phòng ngừa nhiều bệnh tật như viêm khớp, bệnh viêm ruột (IBD), ung thư, bệnh tim, đột quỵ,...
Chiết xuất bạch quả có thể giúp điều trị tình trạng suy giảm nhận thức ở những người mới bị đột quỵ bằng cách tăng cường lưu thông máu đến các cơ quan và giảm độ nhớt của máu (độ đặc và độ dính).
Ngoài ra, bạch quả còn chứa các thành phần hoạt tính của bạch quả như terpene lactones và flavone glycosides. Những chất này hoạt động như chất chống oxy hóa, giúp cải thiện lưu thông máu. Đây là chìa khóa khi xử lý cục máu đông, nguyên nhân gây ra đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Điều này đặc biệt hữu ích cho những người đã bị đột quỵ vì họ có nguy cơ có thể gặp cơn đột quỵ tiếp theo.
Nhìn chung bạch quả an toàn đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, loại cây này vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt, đau đầu, đau bụng, phát ban,... và có thể tương tác với một số loại thuốc. Bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ khi bổ sung loại thảo dược này vào chế độ hồi phục sau đột quỵ.
2. Tam thất
Tam thất là một thảo dược sống lâu năm. Theo các nghiên cứu, rễ cây tam thất chứa nhiều các nhóm thành phần hóa học, như saponin (4,42–12%), ginsenosid như Rb1, Rb2, Rb3 Rc, Rd, Re, Rg1, Rg2-Rh1 và glucoginsenosid. Các hợp chất này có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ.
Đặc biệt, tam thất còn có thể làm giãn mạch máu, cải thiện lưu lượng máu và giảm huyết áp. Một số hóa chất trong tam thất cũng có thể làm giảm sưng và bảo vệ tim. Mọi người thường sử dụng tam thất để điều trị đau ngực, đột quỵ, đau tim, chảy máu, huyết áp cao và nhiều tình trạng khác.
Đối với tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị và hồi phục sau đột quỵ, các saponin trong tam thất hoạt động với các cơ chế bảo vệ thần kinh, có thể chống lại đột quỵ do thiếu máu cục bộ và giảm tổn thương do thiếu máu cục bộ não - tức là tái tưới máu bằng cách ức chế stress oxy hóa, quá tải canxi và viêm thần kinh.
Đặc biệt, loại thảo dược này còn cải thiện tính thấm của hàng rào máu não sau đột quỵ do thiếu máu cục bộ bằng cách can thiệp vào quá trình thoái hóa và phân phối lại mối nối chặt.
Trong thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trên 3.072 bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ, tỷ lệ bệnh nhân đạt được sự độc lập về chức năng sau 3 tháng sử dụng saponin thông qua tam thất là 89% so với 82% khi dùng giả dược.
Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để đi đến chính xác tác dụng của tam thất đối với người bệnh sau đột quỵ.
3. Nghệ
Nghệ là một loại gia vị được sử dụng hàng ngày. Không chỉ là gia vị, nghệ còn là một loại thảo dược có nhiều lợi ích đối với sức khỏe như tốt cho tim mạch, chống ung thư, ngăn ngừa tiểu đường,... đặc biệt, nghệ cũng có tác dụng trong việc thúc đẩy quá trình hồi phục sau đột quỵ.
Nghệ có những tác dụng này là nhờ chứa chất hóa học gọi là curcumin. Nghiên cứu hiện tại chứng minh rằng curcumin làm giảm tổn thương não do đột quỵ vì thiếu máu cục bộ và cải thiện một số kết quả chức năng.
Vì được sử dụng như gia vị nên bạn có thể bổ sung nghệ vào chế độ ăn uống một cách dễ dàng và thường xuyên như kết hợp với các món ăn, làm trà nghệ,...
4. Trà xanh
Trà xanh là loại trà phổ biến mà mọi người uống thường xuyên. Trà xanh luôn được ca tụng là "thần dược" chống oxy hoá, phòng ngừa ung thư, tốt cho sức khỏe tổng thể. Tuyệt vời hơn, trà xanh còn giúp hồi phục sau đột quỵ rất tốt.
Trà xanh có nhiều công dụng đối với sức khỏe như vậy là nhờ chất polyphenol có trong trà, đặc biệt là thành phần hoạt tính của nó, cụ thể là EGCG.
Đối với người sau đột quỵ hoặc có nguy cơ đột quỵ, hợp chất polyphenol trong trà xanh được biết đến có tác dụng bảo vệ thần kinh và phục hồi thần kinh, làm tăng khả năng sống của tế bào, giảm stress oxy hoá, giảm viêm trong mô não. Nhờ đó, uống trà xanh thường xuyên giúp người bệnh đột quỵ hồi phục các chức năng thần kinh hiệu quả hơn.
5. Tỏi
Cũng là một loại gia vị thảo dược, hầu như mọi người đều bổ sung tỏi vào các món ăn hàng ngày. Tuy nhiên, chắc hẳn ít người biết rằng tỏi có thể ngăn ngừa đột quỵ ở người chưa từng bị và người từng bị đột quỵ vì loại gia vị này được ví như "thuốc làm loãng máu" tự nhiên.
Tỏi chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như vitamin C, vitamin B6 và mangan. Đặc biệt, tỏi có chứa hợp chất gốc lưu huỳnh - allicin, tạo nên vị cay của tỏi và đã được nghiên cứu có nhiều lợi ích đối với sức khỏe và những người sau đột quỵ.
Một nghiên cứu đã chỉ ra allicin trong tỏi thúc đẩy phục hồi chức năng trong đột quỵ do thiếu máu cục bộ thông qua hoạt hóa glutathione peroxidase-1. Mặc dù cơ chế chưa được biết rõ nhưng allicin trong tỏi giúp bảo vệ não khỏi tổn thương não, có thể là do tác dụng chống apoptosis và chống viêm. Đồng thời chất này cũng điều hòa chuyển hóa lipid.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng allicin có thể cải thiện đáng kể các đặc điểm hành vi, diện tích nhồi máu não.
Một số phương pháp khác giúp hồi phục sau đột quỵ
Ngoài việc sử dụng một số thảo dược đã đề cập, người bệnh sau đột quỵ nên có chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục hay vật lý trị liệu thường xuyên với cường độ phù hợp.
- Chế độ ăn uống: Sau đột quỵ, người bệnh nên ăn rau củ quả với nhiều loại và màu sắc khác nhau, các loại đậu và đậu hạt, ăn cá và gia cầm thay vì thịt đỏ. Bên cạnh đó, người bệnh nên tránh tiêu thụ thực phẩm có chứa chất béo bão hòa, muối và đường bổ sung như thịt chế biến sẵn, bánh kẹo,...
- Tập thể dục và vật lý trị liệu: Tùy vào mức độ biến chứng mà người bệnh gặp phải để có những biện pháp phù hợp. Nếu sức khỏe ổn định và các chức năng như đi lại bình thường, bạn nên đi bộ, chạy, bơi, aerobic hoặc đạp xe 20-60 phút/ngày và từ 3-5 ngày/tuần.
Nếu khả năng đi lại cũng như khả năng thực hiện các công việc hàng ngày kém hoặc không thể, người bệnh nên tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ.