Tin nổi bật

PTTĐ - Cuộc vận động

Đa dạng ngành nghề cho phụ nữ nông thôn
Nhập ngày: Thứ 2, Ngày 26 / 10 / 2020
Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nữ ở khu vực nông thôn; trong đó chú trọng xây dựng các mô hình sau đào tạo nhằm giúp hội viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

 

Hội viên phụ nữ xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) phát triển nghề may truyền thống của địa phương.

Giữa tháng 8-2020, Hội Phụ nữ xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức khai giảng 2 lớp học nghề đan lát thủ công và trồng nấm thu hút 78 hội viên tham gia. Là một trong những học viên tích cực của lớp trồng nấm, chị Nguyễn Thị Nga cho biết, giáo viên truyền đạt rất kỹ các kiến thức về trồng nấm như ủ nguyên liệu; cấy giống nấm; đóng bịch; quy trình chăm sóc, tưới nước, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm phù hợp cho từng loại nấm… Kết thúc khóa học, chị Nga được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Với những kiến thức đã học, chị đã ứng dụng vào thực tế sản xuất ở trang trại nấm của gia đình. Tham gia khóa học, chị còn được Hội Phụ nữ xã giới thiệu, tiếp cận với một số doanh nghiệp nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Năm 2019, xã Bình Hòa (Giao Thủy) bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi nên các hộ dân chuyển sang nuôi gia cầm. Vì vậy đàn gia cầm của xã phát triển nhanh với tổng số hơn 25 nghìn con. Đạt được kết quả trên, trước đó Hội LHPN huyện Giao Thủy phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh, Phòng NN và PTNT, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện khai giảng lớp chăn nuôi gia cầm thu hút 35 hội viên phụ nữ xã Bình Hòa tham gia. Tại lớp học, các học viên được cung cấp các kiến thức cơ bản về cách chọn con giống, dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi đàn gia cầm; cách nhận biết và phòng ngừa một số bệnh thường gặp cũng như hướng dẫn vệ sinh môi trường trong điều kiện thời tiết thay đổi bất thường như hiện nay…

Để thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn, hàng năm, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, vận động lao động nữ tham gia học nghề; cung cấp địa chỉ học nghề, địa chỉ việc làm; tổ chức các hoạt động tư vấn giới thiệu ngành nghề phù hợp gắn với nhu cầu của lao động nữ khu vực nông thôn; liên kết với các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức các lớp dạy nghề cho hội viên… Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, giáo trình các nghề mới phù hợp với thị trường lao động của địa phương. Hội LHPN tỉnh tiến hành khảo sát và vận động những cá nhân có điều kiện đứng ra thành lập tổ, nhóm may công nghiệp, thêu ren... để dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nữ ở nông thôn. Trong 9 tháng đầu năm 2020, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp, liên kết với các ngành, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức tuyển sinh và đào tạo cho 2.155 lao động; 1.854 phụ nữ có việc làm sau đào tạo. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ các cấp còn thành lập các mô hình HTX, tổ phụ nữ liên kết phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho hội viên như đan cói xuất khẩu của Hội Phụ nữ các xã:  Mỹ Thuận (Mỹ Lộc); Xuân Tân, Xuân  Phong (Xuân Trường); sản xuất rau an toàn tại xã Xuân Ninh (Xuân Trường); trồng rau an toàn tại xã Giao Hà (Giao Thủy); đan cói và bèo bồng xuất khẩu của phụ nữ xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng); Tổ phụ nữ liên kết nuôi trồng thủy sản và rau màu sạch xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); Tổ phụ nữ liên kết nuôi giun quế, HTX trồng cây dược liệu ở các xã Hải Sơn, Hải Lộc (Hải Hậu); các HTX: Hoa và rau Long Hải, xã Nam Cường (Nam Trực); Nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản Hải Đăng, xã Hải Lý (Hải Hậu); Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Minh, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng); Thủ công mỹ nghệ tại xã Trực Thanh (Trực Ninh)… Hoạt động của tổ liên kết, tổ hợp tác, HTX đã phát huy tính tự chủ, kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nữ. Cùng với dạy nghề, Hội Phụ nữ các cấp chú trọng khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay để phát triển kinh tế. Đến nay, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã đứng ra tín chấp, nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH, NN và PTNT, Tổ chức tài chính vi mô (Quỹ TYM), 2.488 tỷ đồng cho 127.979 hội viên vay tại 5.017 tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm của Hội Phụ nữ các cấp, nhiều hội viên đã vươn lên làm giàu, trở thành những nữ doanh nhân tiêu biểu, tạo việc làm cho nhiều hội viên, phụ nữ tại địa phương. Tiêu biểu như các chị: Phạm Thị Vui, xã Hải An (Hải Hậu) thành lập cơ sở may túi siêu thị tạo việc làm cho hàng trăm lao động nữ; chị Nguyễn Thị Tươi, xã Hải Cường (Hải Hậu) với mô hình trang trại VAC; chị Lương Thị Lan thành lập Công ty may Hảo Lan, xã Hải Hưng, tạo việc làm cho trên 15 lao động nữ; chị Nguyễn Thị Lan, chủ doanh nghiệp Tám Lan, thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy), thường xuyên tạo việc làm cho hàng chục lao động, đồng thời hỗ trợ hàng trăm phụ nữ giống, vốn nuôi trồng thủy sản với số tiền hàng tỷ đồng; chị Nguyễn Thị Hải, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng), chủ cơ sở sản xuất cói xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho 250-300 lao động nữ thu nhập mỗi người từ 3-3,5 triệu đồng/tháng… 

Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tiếp tục mở rộng đào tạo các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với lao động nữ. Tăng cường liên kết với các đơn vị tuyển lao động để giới thiệu học viên vào làm việc. Hỗ trợ vốn cho hội viên khó khăn vay phát triển nghề đã học. Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn. Gắn công tác dạy nghề cho lao động nữ với giải quyết việc làm, tạo đầu ra cho sản phẩm. Tăng cường thực hiện các Đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2020-2025./.

 

Báo Nam Định



:: Tin khác