Đối với cư dân cổ đại
Người Ai Cập cổ đại bước sang năm mới vào mùa hè, khi sông Nile tràn bờ mang nước và phù sa màu mỡ đến với vùng đất này. Còn người Babylon và người Ba Tư cổ đại thì bắt đầu năm mới vào ngày 21 tháng 3, ngày đầu tiên của mùa Xuân. Trong khi đó, một số thổ dân da đỏ lại đón mừng năm mới khi những quả hạch trên cây sồi bắt đầu chín, tiết trời bắt đầu chuyển sang Thu.
Người Babylonia cổ đại thực hiện một công việc đặc biệt vào ngày lễ thiêng liêng này bằng cách yêu cầu vị Vua của họ cởi bỏ vương miệng và trang phục cung đình. Không chỉ có vậy, ông Vua này còn phải quỳ xuống để thú nhận tất cả những lỗi lầm mà ông ta đã phạm phải trong suốt một năm qua. Ý tưởng thú nhận những việc làm sai trái và hoàn tất mọi công việc của năm cũ trước khi năm mới tới được rất nhiều xã hội áp dụng.
1. Đất nước nhiềuTết nhất.
Đất nước Colombia ở Nam Mỹ là nước có nhiều tết nhất trên thế giới với con số lên tới trên 1000 ngày Tết. Một năm có 365 ngày, như vậy cứ trung bình mỗi ngày người dân Colombia đón 3 cái Tết. Nguyên nhân chính dẫn đến một đất nước có nhiều ngày Tết như vậy là vì quốc gia Colombia có nhiều sắc tộc và sắc dân khác nhau nên mặc dù họ sống với một quần thể quốc gia tương đồng nhưng lại có nhiều nền văn hóa truyền thống khác nhau và tất cả họ đều được tôn trọng trong sự hòa hợp tự do trên mọi phương diện tín ngưỡng, văn hóa của sắc tộc, trong từng hoàn cảnh đều được Chính phủ Colombia chấp nhận. Người Colombia thích hội hè, cúng tế, nhảy múa, nên những ngày lớn nhỏ trong năm dường như là một sinh hoạt không thể thiếu được với người dân Nam Mỹ ở vùng này.
2. Đất nước có thời gian Tết dài nhất
Tết Anh Đào ở Nhật diễn ra từ ngày 15/3 – 14/4 hàng năm, ở địa phương kéo dài đến tháng 7 suốt mùa hoa Anh Đào nở. Người Nhật tôn Anh Đào là ‘Quốc hoa’. Đầu tháng tư hàng năm, Chính phủ nước này tổ chức lễ hội thưởng hoa Anh Đào như một quốc lễ do đích thân Thủ tướng hay Nhật hoàng chủ trì. Tại công viên Thượng Dã ở Tokyo, hàng năm có hàng chục vạn người tụ tập quanh các gốc cây Anh Đào ngắm hoa, uống rượu, ca hát, nhảy múa say sưa, náo nhiệt.
3. Tết cuồng nhiệt nhất
Đó là Tết ‘Cuồng Hoan’ (vui đến phát điên) của người Colombia. Ngày mùng 5 tháng 1 hàng năm, các chàng trai, cô gái mặc trang phục đẹp nhất lũ lượt kéo nhau ra đường, họ đặt bên đường những cái chậu chứa dầu nhọ nồi hòa với nước. Họ có thể tùy ý giữ và trát nhọ nồi đen kịt vào những người qua đường rồi cùng nhau nhảy múa hò hét đến mệt lử. Tết ‘Cuồng hoan’ là xua đuổi cái đen cho một mùa trắng đẹp. Đến ngày mùng 7 tháng 1 là ngày Hội chủ chốt, mọi tục lệ vẫn được diễn ra như cũ, vẫn trai, gái ra đường mỗi người mang theo một chậu nhỏ, nhưng lần này màu sắc trong chậu có khác, đó là màu trắng được pha nước với bột có đặc hơn màu đen lần trước, biểu hiện cho sự trong trắng dày dặn hơn của đất nước và con người Colombia. Ai qua lại trên đường bất kể giàu sang, nghèo hèn, quan chức, họ đều mong được bôi trắng kỹ càng để trong năm hưởng phúc bình an, trong trẻo. Niềm vui nhất trong ngày lễ hội trắng trong này là vào khoảng giữa trưa, những miếng bột trắng trên mình vì mồ hôi nhễ nhại đã bị rớt ra từng mảnh nên trông mội người trở nên loang lổ trắng, đen và họ nhìn nhau tha hồ thỏa sức mà cười.
4. Tết ‘té nước’ ở Thái Lan
Lễ hội ‘Té nước’ Songkran tổ chức từ 13/4 – 15/4 dương lịch hàng năm tại Thái Lan để đón mừng năm mới. Vì đạo Phật là quốc giáo nên hầu hết những người Thái trong ngày này đều đi viếng Chùa để tắm Phật bằng cách vảy nước thơm lên tượng đức Phật, cầu chúc những điều may mắn. Tết ‘té nước Songkran’ của Thái Lan mang nhiều tính chất cộng đồng, nên trong những ngày này du khách sẽ được tận mắt chứng kiến và hòa mình vào không khí hội hè đông vui náo nhiệt khắp đường phố. Mọi người dùng tất cả vật dụng chứa được nước thi nhau té nước vào người nhau. Bất kể là ai đều có thể té nước mà không sợ bị mắng và té nước càng nhiều, năm mới càng gặp may mắn, thành đạt.
Ngoài Thái Lan, tục té nước còn có ở Lào, Campuchia, Mianma.
5. Tết ‘kính bò’ ở Nêpan
Tháng 8 hàng năm người Nepan tổ chức tết kính bò dài 7 ngày. Trong ngày Tết, những con bò được trang hoàng bằng vải xanh đỏ, theo nhịp trống đi quanh thành phố và xóm làng. Ở thành phố Cát-man-đu bất kể là đường to, ngõ hẻm, đều có thể thấy bò đi dạo chơi, nằm ngổn ngang bên đường. Các loại xe đều phải tránh chúng, bất kể là quan hay dân đều phải làm như vậy. Người Nepan từ xưa ‘kính bò’ như thần, năm 1962, Chính phủ Nepan chính thức công nhận bò là ‘quốc thú’. Nhưng do bò được kính trọng nên số lượng ngày một nhiều, thậm chí nó trở thành ‘vật chướng ngại’ của một số thành phố. Cuối cùng, họ phải đuổi chúng ra khỏi thành phố để đảm bảo an toàn giao thông.
6. Giao thừa ăn 12 trái nho ở Tây Ban Nha, Mexico
Ở Tây Ban Nha và Mexico người ta có tục chọn và ăn 12 quả nho trên cùng một chùm khi nghe 2 tiếng chuông trong nhà thờ lúc Giao thừa với mong ước 12 tháng trong năm tới họ sẽ gặp may. Điều thú vị là sau mỗi tiếng chuông, hầu như không ai kịp ăn hết những trái nho và như thế khi năm mới đến, trong miệng mỗi người đều đang đầy chặt loại quả này. Mọi người nhìn nhau cười càng làm cho việc nuốt số nho trong miệng khó khăn hơn. Tục lệ này thể hiện niềm mong muốn sang năm mới mọi người có những vụ nho bội thu, cầu được bình yên, phúc thọ trong năm mới.
7. Người Mỹ cũng có rất nhiều cách để đón chào năm mới
Họ thường đi thăm hỏi gia đình, họ hàng, bạn bè hoặc tổ chức ăn uống…Tuy nhiên, ngày đầu tiên của năm mới luôn là một ngày khá tĩnh lặng với nhiều người Mỹ. Họ thường ở nhà bên người thân suốt cả ngày và dán mắt vào những chương trình Tivi.
Vào đêm 31 tháng 12 hàng năm, người Mỹ tập trung ở Quảng trường Thời đại (Times Square). Họ đứng sát bên nhau cùng đón chờ khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Khi mọi người cùng hô to đến giây cuối cùng cũng là lúc một quả cầu thủy tinh đẹp mê hồn rơi xuống. Lúc quả cầu chạm đất là thời khắc mọi người hô vang lời chúc mừng năm mới: ‘Happy New Year’ và đồng thanh cất lên những giai điệu tuyệt với của bài hát truyền thống ‘Auld Lang Syne’, tung những mảnh giấy nhiều màu sắc lên trời. Lễ đón năm mới truyền thống ở đây bắt đầu từ năm 1904 khi chủ nhân của tòa nhà Số 1 trên Quảng trường Thời Đại tổ chức một bữa tiệc trên đỉnh của tòa nhà này. Hiện nay, nóc của tòa nhà vẫn được chọn làm điểm đặt quả cầu thủy tinh. Nó chứa hàng nghìn mảnh thủy tinh tượng trưng cho những vì sao đang cháy sáng xuyên qua bóng đêm của năm cũ.
Rất nhiều người Mỹ đón mừng năm mới với những bữa tiệc tổ chức tại gia đình hay tập trung ăn uống ở những điểm công cộng. Khi chuông đồng hồ điểm đúng 12 giờ, họ ôm hôn nhau, nhảy múa theo những điệu nhạc lãng mạn, vui vẻ và cụng ly chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Điều thú vị là ở chỗ có nhiều người mặc trang phục và ăn những đồ ăn đặc biệt. Những người mong muốn tìm thấy tình yêu thực sự thường chọn những bộ đồ màu vàng, còn những người hy vọng kiếm được nhiều tiền thì mặc trang phục màu bạc.
Dù khác nhau về hình thức thể hiện nhưng tất cả những phong tục đón Tết của các quốc gia trên đều chung một mục đích cuối cùng là mong một năm mới tốt lành với những niềm vui và hạnh phúc mới. Đó chính là sự đóng góp của mỗi quốc gia trong dấu ấn chung của nền văn hóa, văn minh nhân loại.
Bài viết từ nguồn từ liệu tạp chí và sách Sử |