Sản phẩm thịt lợn nuôi bằng thảo dược của trang trại Hiền Thục ở xã Trực Thái (Trực Ninh)
được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.
Năm 2018, Hội Phụ nữ xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) đã thành lập mô hình “Tổ liên kết phụ nữ sản xuất rau an toàn”. Với tiêu chí trồng rau sạch theo hướng bền vững, không chạy theo lợi nhuận, đến nay, các sản phẩm rau sạch của tổ được nhiều khách hàng tin dùng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên. Mỗi ngày, tổ cung cấp ra thị trường hàng tạ rau, củ, quả sạch, trong đó có một số chung cư ở Hà Nội, hệ thống siêu thị Coopmart. Các sản phẩm của tổ sau khi thu hoạch được kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm, trong đó có gần 3ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cho thu nhập từ 6-8 triệu đồng/sào/vụ. Cùng với đẩy mạnh sản xuất, Hội Phụ nữ xã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật khuyến nông; phân công nhiệm vụ cho cán bộ Hội phối hợp với cán bộ kỹ thuật HTX trực tiếp xuống kiểm tra chất lượng rau, củ, quả, hướng dẫn sử dụng thuốc thảo mộc phun trừ sâu bệnh, phân vi sinh, phân hữu cơ và thời gian cách ly khi thu hoạch. Thông qua mô hình đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của hội viên phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kết nối từ sản xuất đến thị trường.
Chị Bùi Thị Hoà ở thôn Cẩm, xã Yên Dương (Ý Yên) là một trong những người đi đầu trong việc thay đổi phương thức canh tác cũ chuyển đổi sang mô hình trồng rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản. Năm 2015, được xã tạo điều kiện cho đi học tập mô hình trồng rau an toàn tại Nhật Bản theo chương trình của dự án. Trở về địa phương với sự hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật và được hỗ trợ về vốn sản xuất, chị Hòa đã kết hợp xây dựng mô hình theo công nghệ mới. Để trồng rau an toàn, chị đã cải tạo lại đất, cây trồng được sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, nguồn nước tưới cũng đảm bảo sạch. Ban đầu chị gặp nhiều khó khăn do chưa quen với cách làm mới song với quyết tâm, sự cần cù, ham học hỏi, đến nay, mô hình trồng rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản đã phát triển khá ổn định. Từ trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap trong vòm lưới, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, hiện tại chị đã tạo được khu nhà lưới với diện tích khoảng 1.000m2 cho thu nhập cao. Riêng với cây su hào, bình quân mỗi sào chị thu về 4 triệu đồng; mỗi vụ đông có thu nhập từ 30-40 triệu đồng. Hiện nay, chị Hoà là tổ trưởng tổ hợp tác trồng rau sạch của xã với gần chục hộ tham gia. Thông qua tổ hợp tác, các hội viên phụ nữ được trao đổi học hỏi kinh nghiệm sản xuất, đồng thời hỗ trợ nhau về cách làm, về giống vốn. Thị trường cung cấp rau an toàn được các công ty sản xuất nông sản, các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị bao tiêu. Các hộ trồng rau an toàn đã được cấp chứng chỉ trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGap. Chị Hòa mong mô hình trồng rau sạch sẽ được nhân rộng để đưa ra thị trường số lượng lớn các mặt hàng rau củ sạch, từng bước tạo thương hiệu cho vùng sản xuất rau an toàn ở địa phương.
Hiện nay, mô hình “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn” đang phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh, thu hút hàng trăm hội viên phụ nữ tham gia, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), đồng thời tạo việc làm tăng thu nhập cho hội viên. Bên cạnh đó, các mô hình hiệu quả về VSATTP tại cơ sở như: “Tổ phụ nữ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sạch”, “Tổ phụ nữ chế biến thực phẩm sạch”, “Chi Hội Phụ nữ 3 sạch”; “Sản xuất và tiêu dùng sạch” cũng được các cấp Hội Phụ nữ vận động hội viên tham gia. Hàng năm, Hội LHPN tỉnh đã quán triệt, triển khai đến các cấp hội và hội viên, phụ nữ; xây dựng kế hoạch hành động thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hội. Hội đã tập trung đổi mới và nâng cao công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và các cấp về công tác bảo đảm VSATTP. Trong Tháng hành động VSATTP, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền và vận động hội viên thực hiện “Nói không với thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, bảo vệ người tiêu dùng”; tư vấn kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng phụ gia thực phẩm đúng cách; phổ biến các quy định của pháp luật về các điều kiện đảm bảo VSATTP trong sản xuất, chế biến thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động hội viên về an toàn thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm an toàn… Đồng thời chủ động phối hợp với các ngành, các tổ chức đoàn thể tổ chức nhiều cuộc truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm VSATTP; tổ chức các buổi hội thảo, các hội thi tìm hiểu về vệ sinh an toàn thực phẩm và phong trào “Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường - Nói không với rác thải nhựa”, “Ngày hội phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp”, trưng bày sản phẩm nông sản sạch, vận động các thành viên cam kết thực hiện trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn...
Các hoạt động thiết thực của các cấp Hội Phụ nữ đã góp phần đảm bảo ATVSTP cho cộng đồng, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu./.
Báo Nam Định |