Tin nổi bật

Phụ nữ và cuộc sống

4 giá trị gia đình cần quan tâm trong bối cảnh mới
Nhập ngày: Thứ 2, Ngày 28 / 06 / 2021
Trước sự bùng nổ của kỹ thuật số, cách mạng công nghiệp 4.0, internet và mạng xã hội…, PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, cho rằng cần có cách nhìn "động" hơn về các giá trị gia đình. Theo bà, có 4 giá trị cần đặc biệt quan tâm bao gồm: an toàn, thịnh vượng, bình đẳng và trách nhiệm

 Khi thế hệ trẻ chìm đắm vào thế giới công nghệ

Hội thảo Khoa học Quốc gia "Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống: Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam: Nhận diện và giải pháp" do Hội LHPNVN phối hợp với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phối hợp tổ chức diễn ra sáng 28/6 thu hút sự quan tâm của các diễn giả đầu ngành về vấn đề gia đình. Một trong những tham luận đáng chú ý là các vấn đề mới đặt ra với gia đình Việt Nam trong bối cảnh mới của PGS.TS Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Gia đình và Giới.

Theo bà, bối cảnh mới hiện nay như kỹ thuật số, cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của internet và mạng xã hội... đặt ra yêu cầu cần có cách nhìn mới, "động" hơn về mối quan hệ của thiết chế gia đình với các thiết chế xã hội khác như kinh tế, văn hóa, chính trị… Tìm hiểu và thúc đẩy vai trò và sự tham gia của gia đình vào các quá trình phát triển xã hội bền vững, vì các mục tiêu và động lực phát triển hiện nay đều nhấn mạnh đến nhân tố phát triển con người, cũng chính là đảm bảo sự ổn định và phát triển của gia đình, nơi mỗi cá nhân con người của xã hội sinh ra, lớn lên và trưởng thành.

Lý giải rõ hơn về các tác động nói trên, bà Trần Thị Minh Thi cho biết, việc bùng nổ các thiết bị thông minh khiến cá nhân dễ dàng đắm chìm trong thế giới vô tận ảo và giảm sút các giao tiếp trực tiếp trong gia đình, trong xã hội. Khả năng kết nối thực và ảo, tạo nên một thế giới phẳng khiến lối sống, cảm xúc, ứng xử, hệ giá trị của con người và đặc biệt là sự duy trì các quan hệ xã hội thực sự bị đảo lộn.

Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa một mặt mang lại tiềm năng lớn giải phóng sức lao động của con người, nhưng mặt khác, đang tạo nên một thế giới tình yêu, hôn nhân ảo-như robot tình dục, hẹn hò trực tuyến... có nguy cơ tạo nên một thế hệ trẻ không cần tình yêu, thậm chí không cần cả tình dục, không cần gia đình, không cần con cái, đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và bền vững của các quan hệ gia đình trong thế giới thực.

"Thực tế, một số quốc gia trên thế giới đã ghi nhận hiện tượng nam giới hẹn hò và cưới robot tình dục hoặc một thế hệ trẻ đắm chìm trong thế giới công nghệ mà lảng tránh đời sống thực. Đây là một nét rất mới của bối cảnh chuyển đổi khiến cho cấu trúc của gia đình, dòng họ và mối quan hệ gia đình sẽ chịu ảnh hưởng", PGS.TS Trần Thị Minh Thi nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, phát biểu tại Hội thảo

4 giá trị gia đình trong giai đoạn mới

Trước tác động này, PGS.TS Trần Thị Minh Thi cho rằng, những giá trị gia đình được định hình thông suốt và thống nhất được thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng là "ấm no", "tiến bộ", "hạnh phúc", "văn minh", "bình đẳng". Đây là những giá trị quan trọng, mang hàm nghĩa rộng mà đời sống xã hội có những biểu hiện cụ thể hơn.

Bà Minh Thi khuyến nghị 4 giá trị gia đình quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn tới bao gồm: an toàn, thịnh vượng, trách nhiệm và bình đẳng giới.

An toàn

Theo PGS.TS Minh Thi, gia đình trước hết và quan trọng nhất là môi trường sống lành mạnh, yêu thương, không có bạo lực, xâm hại, xao lãng, nơi cá nhân tìm về khi gặp khó khăn, giúp cá nhân không xa lánh xã hội và rơi vào các thách thức khó khăn kế tiếp, cân bằng tâm lý-tình cảm cho cá nhân trước áp lực cuộc sống. Gia đình đồng thời phải có khả năng phòng vệ, chống chịu trước những thách thức và rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, cũng như các tình huống bất ngờ.

Xu hướng người dân tự an sinh cho gia đình và bản thân khá phổ biến. Vì thế, gia đình đang là nguồn lực an sinh xã hội quan trọng, chia sẻ gánh nặng ASXH với nhà nước. Đồng thời, những hỗ trợ của nhà nước thông qua các chính sách an sinh trực tiếp cho các thành viên gia đình như trợ cấp xã hội, lương, việc làm, xóa đói giảm nghèo hay các chính sách an sinh xã hội gián tiếp như dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế cần tiếp tục hoàn thiện, có tính bao phủ cao hơn.

Thịnh vượng

Sự an toàn của gia đình gắn liền với điều kiện kinh tế. Đời sống kinh tế, phúc lợi gia đình Việt Nam trên các khía cạnh nhà ở, tiện nghi, thu nhập, chi tiêu đã tăng khá mạnh mẽ từ sau thời kỳ Đổi mới.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, thì xây dựng khát vọng thịnh vượng của gia đình là phù hợp với chiều hướng phát triển. Xây dựng gia đình Việt Nam thịnh vượng, cũng là đảm bảo thêm một lớp an sinh từ gia đình, tăng khả năng chống chịu rủi ro, an toàn cho gia đình.

Trách nhiệm

PGS.TS Trần Thị Minh Thi cho rằng, trách nhiệm của gia đình được thể hiện trong các hoạt động gia đình (việc sinh con, chăm sóc các thành viên, giáo dục con cái và với cộng đồng, xã hội). Xây dựng gia đình trách nhiệm là điều kiện để xây dựng gia đình kiểu mẫu "ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau".

Với đặc điểm mức sinh và giá trị con cái hiện nay, chính sách dân số đã có những điều chỉnh quan trọng, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Mức sinh của khu vực đô thị luôn thấp hơn mức sinh thay thế trong nhiều năm, trong khi mức sinh ở khu vực nông thôn dao động khá phức tạp thì giữ gìn ý nghĩa của giá trị con cái là cần thiết.

Dân số Việt Nam đang già hóa nhanh chóng, tuổi thọ ngày càng cao nên số lượng người cao tuổi ngày càng tăng trong bối cảnh mức sinh giảm kéo theo lực lượng chăm sóc giảm, phụ nữ - người chăm sóc chính trong gia đình, tham gia ngày càng nhiều hơn vào thị trường lao động, trong bối cảnh hệ thống dịch vụ chăm sóc còn hạn chế. 

Với vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ em, hình thành nhân cách trẻ em, góp phần quan trọng trong xây dựng chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội cũng như sự ổn định của các quan hệ gia đình, việc quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống là cực kỳ quan trọng. 

Hiện nay, giáo dục con cái trong gia đình vẫn chủ yếu hướng tới các giá trị cốt lõi và lối sống truyền thống, như trung thực, hiếu thảo, thương yêu, tiết kiệm với phương pháp giáo dục truyền thống như làm gương, khuyên nhủ, và nhiều gia đình còn lúng túng trong xác định nội dung và phương pháp giáo dục con cái trong bổi cảnh bùng nổ thông tin, không gian mạng và không gian xã hội đang biến đổi mạnh mẽ. 

Bình đẳng giới

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, trong hôn nhân và gia đình, đã có những dấu hiệu đáng mừng đánh dấu sự thể hiện vai trò cùng làm chủ gia đình của người phụ nữ, bước đầu khẳng định sự tồn tại của bình đẳng giới trong gia đình, cho dù sự biến đổi này diễn ra chưa mạnh và đồng đều ở tất cả các loại hình công việc và các nhóm xã hội.

Bình đẳng giới trong gia đình rõ nét hơn ở khu vực thành thị, ở nhóm dân cư có trình độ học vấn cao, ở những gia đình mà người vợ có đóng góp nhiều hơn (so với người chồng) vào kinh tế hộ gia đình. Phụ nữ, khác với nam giới, là phải đảm nhiệm trách nhiệm gia đình với các chuẩn mực xã hội và văn hóa liên quan đến việc làm mẹ, và phải xác định ưu tiên giữa giữa "công việc" và "gia đình", vì nó là hai không gian riêng biệt.

"Vì thế, hỗ trợ phụ nữ tự thoát khỏi các định kiến xã hội từ cộng đồng và từ chính bản thân về những khắt khe trong hành vi hôn nhân và gia đình, hướng phụ nữ tới những giá trị được tôn trọng, được hạnh phúc và tự thể hiện bản thân, đồng thời đóng góp tốt cho xã hội", PGS.TS Trần Thị Minh Thi nhấn mạnh.

Báo Phụ nữ Việt Nam



:: Tin khác