Bà là Vũ Thị Điềm, 77 tuổi, nguyên Trưởng phòng Công nghệ, Viện Thiết kế máy công nghiệp,
Bộ Cơ khí - Luyện kim (nay là Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương).
Bước đột phá
Năm 1992, đường dây 500kV Bắc-Nam được triển khai. Lúc đó, khó khăn nhất của ngành điện trong nước là chưa sản xuất được cột điện chống gỉ với khối lượng lớn. Nếu triển khai đường dây 500kV thì phải nhập cột điện với chi phí rất cao, trong khi điều kiện đất nước thời điểm đó rất khó khăn. Trong một cuộc họp, lãnh đạo Bộ đã đề nghị các nhà khoa học cùng tham gia, hỗ trợ để giảm chi phí cho đất nước. Lãnh đạo Viện Thiết kế máy Công nghiệp nhớ bà Vũ Thị Điềm từng có công trình nghiên cứu về công nghệ mạ kẽm nên sau khi trao đổi đã đứng ra nhận phần việc này.
"Còn sống ngày nào, tôi còn đóng góp sức mình cho sự phát triển của đất nước ngày đó. Một người làm thì như hạt cát bỏ bể nhưng nhiều người cùng chung tay thì kết quả sẽ khác" - Bà Vũ Thị Điềm, người được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 1998
Sau khi nhận việc, bà bắt tay vào việc nghiên cứu. Bà cùng các công nhân thử nghiệm mạ kẽm nóng tại xưởng mạ liên doanh giữa Công ty xây lắp I, Công ty xây lắp Hóa chất và Viện ở xí nghiệp xây lắp 4 Cầu Diễn (Hà Nội). Bà tự làm những tấm mẫu rồi mạ thử. Sau gần 1 tháng nghiên cứu, cùng hàng trăm lần thử nghiệm, những mẫu mạ đã ra đời bằng phương pháp mạ kẽm nóng, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của ngành điện và các tiêu chuẩn quốc tế. Sau đó, hàng loạt bể mạ được xây dựng và sản xuất đại trà. Công nghệ này đòi hỏi tổ chức mạ 3 ca liên tục. Vì vậy, bà cùng nhóm nghiên cứu thường xuyên phải làm việc 3 ca/ngày. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng ngàn cột điện mạ kẽm sản xuất trong nước được dựng lên đã góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình.
Trong một lần, khi đang thi công đường dây 500kV, bà nhận được thông tin có một cây cột điện ở Hòa Bình bị lỗi gỉ sét nhỏ. Tuy nhiên, không thể đưa cây cột điện đó về xưởng để mạ kẽm nóng. Để khắc phục lỗi này, bà đã nghiên cứu công nghệ mạ nguội. "Tôi bắt xe đến công trường ở Hòa Bình rồi trèo lên cột điện cao ngót chục mét, thực hiện công nghệ mạ nguội để xử lý vết gỉ. Nhiều người lúc đầu rất lo lắng, bởi khi ấy tôi đã có tuổi nhưng khi thấy tôi thoăn thoắt làm việc, mọi người không khỏi khâm phục", bà nhớ lại.
Dành cả đời cho nghiên cứu khoa học
Từ khi còn học trung học, bà Vũ Thị Điềm đã đam mê Hóa học. Nhiều lần, bà thấy trong phòng thí nghiệm có những chai, lọ đựng hóa chất nhiều màu sắc. Ước mơ theo ngành Hóa học nhen nhóm trong bà từ đó. Bước chân vào đại học, bà chọn khoa Hóa, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, để theo đuổi ước mơ. Sau khi tốt nghiệp, bà được phân về dạy Hóa tại Trường Trung học Cơ khí 2 (đóng tại Vĩnh Phúc). Năm 1974, bà chuyển về Viện Thiết kế máy công nghiệp, Bộ Cơ khí-Luyện kim, làm việc. Thời điểm đó, nhu cầu tiêu chuẩn chất lượng mạ trang trí và bảo vệ phụ tùng xe đạp nói riêng và các chi tiết ngành cơ khí rất cao. Bà và đồng nghiệp vừa nghiên cứu lý thuyết công nghệ, vừa xây dựng một bộ phận mạ bán sản xuất tại Viện Thiết kế máy công nghiệp. Bà theo đuổi công nghệ mạ cho đến khi nghỉ hưu.
Ở tuổi 77, bà vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Bà hiện là cộng tác viên dân số của khu phố. Ngoài ra, bà còn dạy Hóa học cho học sinh với học phí thấp và miễn phí cho nhiều trường hợp khó khăn.
Nguồn Trung ương Hội LHPN Việt Nam
|