Tin nổi bật

PTTĐ - Cuộc vận động

Gương Phụ nữ điển hình phát triển kinh tế giỏi
Nhập ngày: Thứ 4, Ngày 24 / 07 / 2024
Phụ nữ huyện Xuân Trường phát triển kinh tế hộ gia đình từ mô hình nuôi chim Bồ câu lai Pháp.

Thời gian qua, hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” trên địa bàn huyện Xuân Trường đã có nhiều tấm gương điển hình phụ nữ tiên tiến, nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Nhiều chị đã phát huy được đức tính cần cù, chịu khó, tích cực học tập, lao động sáng tạo, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, chị Lê Thị Nhung, sinh năm 1992, hội viên chi hội phụ nữ xóm 6, xã Xuân Phong là một trong những điển hình ấy.

Với mong muốn tìm một hướng phát triển bền vững và hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình, qua nghiên cứu, tìm hiểu sách báo, internet và các chương trình truyền hình về các mô hình phát triển kinh tế nông thôn, chị Nhung nhận thấy mô hình nuôi chim bồ câu lai Pháp là mô hình có khả năng nhân rộng và cho hiệu quả kinh tế cao. Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%, lại tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ, lao động tại chỗ, dễ chăm sóc, ít bệnh. Trong bối cảnh chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá thức ăn liên tục tăng, người chăn nuôi bỏ chuồng nhiều thì mô hình nuôi bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp đã đem lại hiệu quả cao do chi phí đầu tư không nhiều, chịu không nhiều rủi ro. Tận dụng tối đa nguồn thức ăn từ sản xuất nông nghiệp như: ngô, thóc, cám, ... Chất thải từ chăn nuôi được xử lý làm phân bón, không thải ra môi trường nên không gây ra ô nhiễm nguồn nước và không khí. Đồng thời đây cũng là mô hình tận dụng nguồn lao động tại chỗ, đặc biệt là phụ nữ vì công việc không nặng nhọc, phù hợp với sức lao động, không tốn nhiều thời gian công sức, phụ nữ vừa có thể đảm nhận công việc vừa có thể chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Với các hộ gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn, đây là hướng làm kinh tế hiệu quả để thoát nghèo. 

Chị Lê Thị Nhung với mô hình nuôi chim bồ câu lai Pháp

Năm 2021, chị Nhung bắt đầu triển khai mô hình nuôi chim bồ câu lai Pháp với diện tích nuôi chim của gia đình hiện tại là 400m2, số lượng gần 1.500 cặp chim bố mẹ. Vốn đầu tư ban đầu hơn 500 triệu đồng bao gồm chim giống (hơn 370 triệu đồng cho 1.500 cặp chim bố mẹ), đầu tư chuồng trại và máy móc (quạt làm mát, máy ấp trứng, máy hấp, máy xay ngô) hơn 200 triệu với 02 lao động chính.

Chị cho biết: Mỗi năm một cặp có thể đẻ từ 8 đến 9 lứa, trọng lượng chim ra ràng đạt 530-580 gam/con. Bồ câu giống sau khi mua về khoảng 5 tháng bắt đầu đẻ trứng, sinh sản hầu như quanh năm. Trung bình một cặp chim bố mẹ có thể sinh sản trong 5-7 năm. Chim bồ câu con sinh trưởng nhanh, từ khi đẻ cho đến khi bắt đầu ra ràng là 40 - 45 ngày, trong thời gian đó chim mẹ vừa có thể đẻ trứng mới, vừa nuôi con. Hiện giá chim thương phẩm trên thị trường mang lại lãi suất cao cho người chăn nuôi. Với 1.500 đôi chim bố mẹ, mỗi ngày trung bình xuất bán cho thương lái mỗi tháng hơn 1000 chim thương phẩm, chưa kể các đơn hàng nhà hàng, đám cưới phải đặt trước mới có hàng. Thu nhập bình quân một tháng sau khi trừ chi phí, khoảng 25 - 30 triệu đồng. 

Tuy bận rộn với việc phát triển kinh tế gia đình, chị Nhung vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động của Hội phụ nữ và chi hội tổ chức, tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT và các phong trào ở địa phương. Chị Nhung là một trong những Phụ nữ khởi nghiệp hiệu quả tại chính quê hương của mình, chị thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm, những cách làm hay, hiệu quả trong sản xuất chăn nuôi với chị em trong chi hội và nhân dân trong xóm, trong xã qua các buổi sinh hoạt chi hội, tạo động lực để mọi người tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, góp phần quan trọng tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hội LHPN huyện Xuân Trường



:: Tin khác