Tin nổi bật

PTTĐ - Cuộc vận động

Làm giàu từ nghề nuôi gà siêu trứng
Nhập ngày: Thứ 4, Ngày 23 / 11 / 2022
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ gà sạch trên thị trường rất lớn, trong khi trên địa bàn huyện chưa có nhiều trang trại nuôi gà quy mô, năm 2015, chị Vũ Thị Định, xã Yên Nghĩa (Ý Yên) đã quy hoạch đất vườn, đầu tư con giống, chuồng trại để chăn nuôi gà siêu trứng. Sau 7 năm, chị Định giờ đã là một “triệu phú gà”, khẳng định hướng đi đúng đắn, hiệu quả của mô hình.

       

Chị Vũ Thị Định, xã Yên Nghĩa là gương hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi từ nghề nuôi gà siêu trứng


       Trước đây, thu nhập của gia đình chị Định chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Chính vì vậy, chị luôn trăn trở, suy nghĩ tìm hướng làm giàu. Năm 2010, chị Định bắt tay vào xây dựng chuồng trại nuôi gà thịt. Tuy nhiên, do số lượng nuôi không lớn cộng với những ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh… khiến việc nuôi gà thịt của chị nhanh chóng thất bại. “Mặc dù thất bại nhưng đó cũng là quãng thời gian giúp tôi tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm cho đường dài sau này. Năm 2015, khi xã Yên Nghĩa mở lớp tập huấn, hướng dẫn mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi gà đẻ trứng theo quy mô hộ gia đình, tôi xác định “cơ duyên” đã đến. Tôi về nhà bàn bạc với chồng và mạnh dạn đăng ký thực hiện. Cũng chính từ thời điểm ấy, tôi bắt đầu triển khai mô hình nuôi gà quy mô hơn”, chị Định vui vẻ kể về quá trình khởi nghiệp nuôi gà. Để nuôi gà đẻ trứng, ban đầu chị mua 250 con gà đẻ giống Ai Cập. Đây là giống gà có sức đề kháng tốt, ít bệnh, dễ chăm sóc, đẻ dày, trung bình một con gà mái có thể đẻ 250 quả trứng/năm, trứng to và thơm ngon nên rất được khách hàng ưa chuộng. Chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi gà Ai Cập, theo chị Định, cần chú trọng khâu chọn giống để đàn gà luôn khỏe mạnh. Đối với gà đẻ trứng Ai Cập, thức ăn chủ yếu là cám và ngô; nước uống phải đảm bảo vệ sinh, nước được lọc qua một lớp cát đen (có độ dày 1m) để đảm bảo luôn sạch, ngăn ngừa dịch bệnh. Trong quá trình nuôi, chị còn thường xuyên rắc men vi sinh lên phân gà để khử mùi hôi. Để gà đẻ đều, chất lượng trứng đảm bảo, chị còn tạo môi trường thoáng mát, chuồng trại lắp hệ thống chiếu sáng, quạt thông gió hút mùi... Sau khi kết thúc một lứa nuôi, chị còn tiến hành tổng vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát khuẩn trong và ngoài chuồng... Mặc dù tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi khoa học nhưng do kinh nghiệm chăn nuôi, phòng dịch còn hạn chế nên thời gian đầu đàn gà của chị bị chết nhiều, chất lượng trứng không cao. 

       Liên tiếp gặp thất bại nhưng chị Định không nản chí, buông xuôi. Xác định “yếu, thiếu” ở chỗ nào thì phải đứng lên từ đó, chị lao vào học, tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi gà qua sách báo, mạng internet. Không quản ngại xa xôi, chị còn đến các mô hình nuôi gà hiệu quả trong và ngoài huyện để học hỏi thêm kinh nghiệm. Chị cũng chủ động tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do các cơ quan chuyên môn của huyện, Hội Phụ nữ phối hợp tổ chức để có thêm kiến thức trong chăn nuôi. Quá trình học và đi thực tế, nhận thấy giống gà Ai Cập không phù hợp để nuôi lâu dài, chị Định quyết định chuyển đổi con nuôi sang giống gà M18. Chia sẻ thêm về lý do chọn gà M18, chị Định cho biết: “đây là giống gà siêu trứng, cho năng suất, chất lượng trứng vượt trội so với các giống gà siêu trứng trên thị trường”. Để nuôi giống gà mới chị cũng đã thay đổi phương thức nuôi. Theo đó, nhằm hướng tới sản xuất sản phẩm an toàn, chị quyết định nuôi gà theo chuẩn VietGAP. Cụ thể, từ con giống, thức ăn đến các loại vắc-xin, thuốc điều trị cho gà… chị đều nhập ở cơ sở uy tín, rõ ràng nguồn gốc. Quá trình nuôi, chị nghiêm túc tuân thủ quy trình sử dụng vắc-xin theo từng giai đoạn phát triển của gà. Trước khi đưa gà lên lồng đẻ trứng, gà được chị Định nuôi hậu bị khoảng 16 tuần tuổi. Trong khoảng thời gian này, gà được tiêm 18 lần vắc-xin để phòng dịch bệnh. Khi gà bắt đầu giai đoạn đẻ trứng, chị ngưng hoàn toàn việc sử dụng vắc-xin, thay vào đó chị bổ sung thêm thuốc bổ, tăng đề kháng và tăng cường thắp điện để gà cho năng suất cao. Từ tuần thứ 18, gà bắt đầu đẻ trứng và đạt tỷ lệ đẻ gần 100% từ tuần thứ 25. Trời không phụ công người chịu khó, việc chăn nuôi của gia đình chị Định dần phát triển, số lượng gà tăng theo từng năm. Đến nay, mô hình nuôi gà siêu trứng của chị Vũ Thị Định đã được mở rộng với quy mô trên 1.000 con. Bình quân mỗi tháng đàn gà cho thu khoảng 700 quả trứng; sau khi trừ chi phí, hàng năm gia đình chị Định thu lãi từ 100-120 triệu đồng/năm. Sản phẩm trứng gà của gia đình chị Định cũng đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2020.

         Không giấu kinh nghiệm chăn nuôi, gia trại của chị Định hiện là “địa chỉ tin cậy” cho nhiều hội viên phụ nữ, người dân muốn nuôi gà trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập. Ai đến chị cũng sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm với mong muốn nhân rộng, lan tỏa được những trang trại, gia trại nuôi gà sạch, chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, sau nhiều năm mở gia trại gà, để đảm bảo về kỹ thuật, có mối liên kết đầu vào, đầu ra và không bị thương lái ép giá, từ năm 2020, khi HTX Phú Nghĩa mới thành lập, chị là một trong những hộ nuôi gà đầu tiên đăng ký tham gia vào HTX. Tham gia HTX, chị cũng như các thành viên được thường xuyên trao đổi thông tin về thị trường và kỹ thuật chăn nuôi gà. Từ đó, giúp việc nuôi, kinh doanh gà của gia đình ngày càng ổn định theo hướng bền vững. 

         Năng động, dám nghĩ, dám làm, không sợ thất bại và luôn tìm cách áp dụng những tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật vào thực tế chăn nuôi, mô hình nuôi gà siêu trứng của chị Vũ Thị Định đã gặt hái được những “quả ngọt”, giúp chị nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Từ mô hình của chị còn “mở hướng” cho nhiều phụ nữ nông thôn khác vươn lên làm giàu, xây dựng thêm những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.

Nguồn Báo Nam Định



:: Tin khác